Tham gia vào quá trình khám bệnh như thế nào?

Thứ Ba, 10/11/2020
Tham gia vào quá trình khám bệnh như thế nào?

Đi khám bệnh hiếm khi là một trải nghiệm dễ chịu, nhất là khi bác sĩ không có nhiều thời gian. Để tận dụng tối đa thời gian 5’-10’ hay ít hơn của cuộc thăm khám, người bệnh cần chủ động lên kế hoạch.

- Xác định rõ vấn đề chính muốn khám

Xác định rõ vấn đề sức khỏe chính muốn thăm khám. Tốt nhất là có 01 vấn đề. Trường hợp có trên 01 vấn đề thì xác định 01 vấn đề chính và các vấn đề phụ để ưu tiên hỏi bác sĩ trong cuộc thăm khám. Viết các vấn đề ra giấy theo thứ tự ưu tiên. Nếu cuộc hẹn không đủ thời gian giải quyết hết các vấn đề, hãy hỏi bác sĩ về khả năng trao đổi tiếp qua điện thoại hoặc email hoặc hẹn lần khám tiếp theo.

- Mạnh dạn kể bệnh và các lo lắng

Phản ứng tự nhiên khi gặp bác sĩ là e ngại và mặc cảm. Tâm lí này khiến người bệnh rụt rè, ít nói và chỉ trả lời khi được hỏi. Tuy nhiên, bác sĩ cần thông tin từ người bệnh để có thể chẩn đoán được. Người bệnh cần nói cho bác sĩ tất cả các lo lắng kể cả khi bác sĩ không hỏi đến. Nếu những lo lắng đó là không có cơ sở, bác sĩ sẽ giải thích và giúp người bệnh yên tâm. Trường hợp lo lắng của người bệnh là hợp lí, bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết và giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn.

Ví dụ: Khi nam giới có nghi ngờ viêm nhiễm cơ quan sinh dục. Bản thân ngươi bệnh có thực hiện hoạt động thủ dâm và lo lắng không biết đó có phải là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm hay không thì người bệnh hoàn toàn có thể đặt câu hỏi với bác sĩ thay vi e ngại.

- Chuẩn bị tốt cho kể bệnh

Người bệnh cần chuẩn bị sẵn thông tin để kể được rõ ràng, ngắn gọn và đẩy đủ. Các thông tin cần cung cấp cho bác sĩ bao gồm: 1) các biểu hiện, thời điểm bắt đầu, tiến triển. Ghi lại các thông tin này vào giấy để đảm bảo không bị quên hay sót khi kể. Nếu các biểu hiện mang tính tái diễn, hãy ghi lại các biểu hiện vì có thể khi đi khám các biểu hiện này không còn. Ví dụ: dùng điện thoại hoặc ipad chụp ảnh (vết thâm, nốt sẩn, vết loét, mức nhiệt kế, màu nước tiểu …) hay quay video; 2) Các lần khám trước và chẩn đoán; 3) Các xét nghiệm đã làm và kết quả; 4) Các thuốc đã dùng: đơn thuốc, hộp thuốc, mẫu thuốc;5) Sổ y bạ cũ (kể cả khi đã hết trang)

- Đi cùng người trợ giúp

Người bệnh, đặc biệt là người gặp khó khăn trong giao tiếp và ghi nhớ nên đi cùng một người khác để giúp tăng tự tin và trao đổi hiệu quả hơn. Người bệnh cần trao đổi trước với người đi cùng vấn đề sức khỏe gặp phải và mục đích cuộc thăm khám. Cho người đi cùng xem tờ giấy ghi các vấn đề ưu tiên và các dấu hiệu. Hỏi ý kiến người đó xem có vấn đề gì khác nên đưa vào. Người bệnh nói rõ với người đi cùng các việc mà người đi cùng cần làm để hỗ trợ. Ví dụ: bổ sung thông tin sau khi người bệnh đã kể xong, ghi chép trong lúc bác sĩ khám và chẩn đoán, vv.

- Sử dụng máy ghi âm

Người bệnh có thể dùng máy ghi âm để có đầy đủ thông tin của cuộc trao đổi, có thể nghe lại và chia sẻ với những người khác quan tâm. Người bệnh cần hỏi bác sĩ trước về việc dùng máy ghi âm.

- Yêu cầu thông tin về theo dõi tiếp tục

Trước khi rời phòng khám hay trước khi ra viện, người bệnh cần đảm bảo có các thông tin:

-   Các biểu hiện cần theo dõi tiếp tại nhà;

-   Thời gian khám lại, mục đích của khám lại;

-   Các xét nghiệm cần làm tiếp, thời gian làm, mục đích;

-   Các biểu hiện phải đến viện khám cấp cứu ngay hay phải gọi ngay cho bác sĩ;

-   Thông tin liên hệ trong trường hợp cấp cứu.

Thông tin tham khảo

Người bệnh hỏi bác sĩ về các tài liệu hay hướng dẫn chăm sóc dạng in hay online để có thể đọc thêm khi về nhà.



Các tin mới hơn


Các tin khác