Bi kịch ở chỗ, đằng sau những thành công của đỉnh cao về nghệ thuật bắt chước, người ta đặt ra dấu hỏi về giới tính thật của em, về một tương lai trước mắt mà đến một lúc nào đó Đức Vĩnh sẽ phải đối diện.
Một nữ chuyên gia tâm lý giáo dục (xin được giấu tên) cho biết, chị rất thích và thường xuyên theo dõi những tiết mục của bé Đức Vĩnh. Tuy nhiên, bên cạnh sự ngưỡng mộ về tài năng thiên bẩm của em, điều khiến chị lo ngại chính là sự hoá thân quá hoàn hảo và chất nữ tính biểu hiện không chỉ trong các tiết mục mà còn trong cả dáng vẻ đời thường của Đức Vĩnh.
“Tuy nhiên, việc nhiều bé trai có xu hướng rụt rè hay dịu dàng thái quá so với số đông các bạn cùng giới là điều bình thường. Nếu được tiếp xúc trong môi trường có nhiều nam giới, các em sẽ thay đổi và tự điều chỉnh bản thân”, nữ chuyên gia tâm lý trao đổi.
Chị kể thêm về một trường hợp khách hàng xuất thân trong một gia đình có nhiều chị gái. Từ nhỏ anh có thói quen hay chơi những trò chơi như nhảy dây, nấu ăn. Dần dần thành thói quen và anh bỗng thấy thích thú với những trò chơi đó. Tuy nhiên, theo năm tháng, đến tuổi đi học và lớn hơn một chút, anh bỗng tỏ ra ngượng ngùng, xấu hổ khi chơi những trò chơi “nữ tính”. Đến nay, anh chàng này đã lấy vợ, sinh con và chuyện bị lệch lạc về giới tính đã không xảy ra.
Cùng bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết, ông có nghe những tranh cãi mới đây xung quanh tiết mục của cậu bé Đức Vĩnh trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam. Câu chuyện về một đứa trẻ 9 tuổi khiến ông lo ngại đến việc em sẽ phải đối diện với những áp lực không đáng có. Ớ góc độ của một chuyên gia tâm lý, ông Phú thẳng thắn cho rằng không nên cổ xuý cho những trào lưu giả gái, đặc biệt là ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
“Một đứa trẻ ăn mặc khác thường khi ra khỏi nhà, hay đi đến trường đã phải nhận những con mắt trêu đùa, chê bai của chúng bạn. Ớ lứa tuổi này, sự định hình về tính cách, giới tính rất quan trọng. Không chỉ trong các môi trường giáo dục như gia đình, nhà trường mà trên cả những phương tiện có độ lan toả ảnh hưởng cao như truyền hình càng cần được chú ý, nâng cao”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Phú khẳng định.
Điều đáng nói, trong khi không ít khán giả tỏ ra lo ngại thì ban giám khảo, bao gồm các nghệ sỹ gạo cội như nghệ sỹ ưu tú Thành Lộc, nghệ sỹ Hoài Linh, nhạc sỹ Huy Tuấn và MC Thuý Hạnh lại tỏ ra thích thú, cổ xuý, khen ngợi và dành tặng những lời có cánh cho các tiết mục của Đức Vĩnh.
Một cuộc khảo sát của người viết dành cho nhiều bà mẹ có con trai trong lứa tuổi từ 7 đến 10 tuổi cho thấy, không một bé trai nào tỏ ra thích thú với những màn trình diễn của Đức Vĩnh, số đông các em đều nhận xét, cậu bé quá uỷ mị, sến sẩm so với mình. Tuy nhiên, ai dám chắc rằng, còn có một vài cậu bé nào đó, có đôi chút thiên hướng nghệ thuật, sẽ lấy Đức Vĩnh làm thần tượng và mong ước được một ngày nổi tiếng như em.
Không ai phủ nhận tài năng của Đức Vĩnh và những màn biểu diễn “lên đồng” của em trong suốt cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” mùa thứ ba. Chính nhạc sỹ An Thuyên, một người từng đau đáu với những dự án âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu nhi cũng thừa nhận: “Đức Vĩnh có những tố chất mà không nhiều trẻ em Việt Nam hiện nay có được. Đó là niềm đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống. Trong khi trẻ em hiện nay đang có xu hướng thích thú với những ca khúc nhạc Hàn, nhạc Mỹ thì việc một cậu bé 9 tuổi hoá thân diễn xuất thành những nhân vật kinh điển trong các vở tuồng, chèo nổi tiếng của dân tộc là một điều đáng khen ngợi. Tuy nhiên, điều chúng ta cần chú ý là làm sao để trẻ em bắt chước người lớn mà vẫn giữ được tính hồn nhiên, trong trẻo. Nghệ thuật không ngại những màn giả gái, nhưng giả gái làm sao mà không ảnh hưởng, không làm lệch lạc đến giới tính cũng là một vấn đề đáng bàn”.
Tác giả của những bản tình ca mang đậm chất dân gian cho biết thêm, truyền hình thực tế đang đặt nặng tính giải trí mà xem nhẹ tính giáo dục. Thực tế mà lại phi thực tế, giả mà thành thật và ngược lại.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, nữ ca sỹ trẻ Cát Tường đã không ngần ngại khẳng định mình “xuyên giới tính” khi trả lời về những nghi vấn xung quanh hình ảnh quá đỗi mạnh mẽ, nam tính của cô. Sự lột xác trong vòng một năm, từ hình ảnh dịu dàng sang vẻ bụi bặm đã khiến Cát Tường trở nên nổi tiếng, ấn tượng, thậm chí nhiều người xưng tụng cô là nghệ sỹ độc đáo, có một không hai. Tuy nhiên, cùng với việc ngưỡng mộ những sáng tác của cô, rất nhiều bạn trẻ đã bất chước theo diện mạo “độc, dị” ấy để trở thành những phiên bản Cát Tường.
Xuyên giới tính hay phi giới tính cũng đang trở thành mốt của showbiz Việt. Một nền giải trí còn non trẻ nhưng đã sớm tiềm ẩn những hiếm họa về sự lệch lạc giới tính đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có thêm những định hướng giáo dục, bài học về nhân cách đạo đức để làm trong sáng đời sống nghệ sỹ.
Đức Vĩnh mới chỉ vừa 9 tuổi. Em cũng chưa trải qua bất cứ một trường lớp đào tạo nghệ thuật nào. Ở cái tuổi của em, những màn biểu diễn nghệ thuật hoàn toàn dựa theo bản năng vốn có của mình. Điều này càng cần đến tính định hướng của xã hội để những tài năng nhí có thể phát triển lâu dài, thăng hoa và không bị cản trở bởi những lệch lạc.
Đào Bích
Box: Phó giáo sư, tiến SV Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho biết: “Việc chọn một hình thức hoán đổi giới, xuyên giới trong thể hiện hình ảnh nghệ thuật xem chừng đó là một sự lặp lại, rập khuôn. Về điều này, sự sáng tạo xem như bị đánh giá khá thấp. Dù sao Đức Vĩnh cũng đã đăng quang. Chuyện đã xảy ra cũng cần được nhìn nhận cho những định hướng mới với những số phận khác, con người khác chứ không phải là một cá nhân đã được thể hiện. Riêng với Đức Vĩnh, cũng đừng quên rằng, em cần được tìm hiểu thêm, đồng cảm và quan tâm để tránh những tác động thiếu kiểm soát của hào quang, thiếu sự cân bằng trong cuộc sống làm mất đi tính thăng hoa trong biểu diễn. Trách nhiệm này thuộc về gia đình những nhà tổ chức và những người phát hiện em cần thực sự có trách nhiệm cao với thời hậu đăng quang”.
http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/nhieu-y-kien-trai-chieu-ve-quan-quan-vn-got-talent-2015-173838.html