Sáng tác và biên khảo trên mạng về dòng văn học đồng tính

Bùi Anh Tấn - Bùi Anh Tấn: 'Thiên Hạ Nghĩ Tôi Đồng Tính Cũng Chẳng Sao' (2007) (CCIHP/Lit-e3)

  Từ khi trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tay Một thế giới không có đàn bà, nhà văn Bùi Anh Tấn đã bị đặt vào diện nghi ngờ về giới tính. Chẳng hề nao núng, anh tiếp tục bắn một loạt đạn: Les - vòng tay không đàn ông, Sắc và không, Bướm đêm... khiến dư luận xôn xao: chắc tay nhà văn này bị thật rồi!

Đem dấu hỏi to đùng đến gặp anh Bùi Anh Tấn - nhà văn, thiếu tá, phó chi nhánh NXB Công an nhân dân phụ trách phía Nam, tôi bắt gặp nụ cười hiền lành: Có sao đâu! Tôi già rồi, chai lỳ với dư luận rồi nên chẳng còn quan tâm người ta nghĩ gì về tôi nữa. Tôi chỉ quan trọng một điều: Tôi biết tôi là ai!

Bước sang tuổi 41 mà vẫn vườn không nhà trống, lại chuyên trị viết về đồng tính, anh bị nghi ngờ là phải rồi. Anh nghĩ sao?

- Bình thường thôi. Nếu hỏi tôi có lấy vợ không thì tôi trả lời có. Chứ nghi thì nhiều lắm: người bình thường, bạn bè, những người yêu mến tôi, những người tôi yêu mến, thậm chí cả người đồng tính cũng nghi ngờ nên tôi chẳng thanh minh làm gì và cũng chẳng việc gì phải gào lên hay chứng minh mình không thuộc thế giới thứ ba.

Anh đang ấp ủ đề tài gì mới?

- Là một nhà văn thì lúc nào cũng có đề tài để ấp ủ. Đầu năm 2007, tôi ra mắt cuốn tiểu thuyết mới Phố ba nhà bán cũng khá chạy và hy vọng nó sẽ được tái bản. Tôi cũng đang chờ bộ tuyển Bùi Anh Tuấn của NXB Trẻ, gồm 4 tiểu thuyết và truyện ngắn được hoàn tất để phát hành trong tháng tới. Ngoài ra, tôi còn tham gia viết kịch bản phim, ảnh.

Tại sao anh quyết định tham gia viết kịch bản phim?

- Nếu nói không cẩn thận người ta lại nghĩ là tôi biện hộ, nhưng cá nhân tôi tham gia phim ảnh vì mấy lý do sau: Trước tiên, viết kịch bản phim kiếm được nhiều tiền hơn viết văn. Với tôi, lý do này rất quan trọng dù nghe ra có vẻ hơi thực dụng. Nhưng chị cứ thử nhẩm tính giúp tôi. Một cuốn sách dày 400 trang, bán với giá 45.000 đồng, khi in 1.000 cuốn tôi được hưởng 10% nghĩa là 4,5 triệu. Nếu tôi chịu khó viết một truyện ngắn đăng báo, toà soạn sẽ trả tôi 2 triệu. Và nếu tôi viết được 10 tập phim, nhà xuất bản sẽ trả tôi 40-50 triệu.

Thứ hai là tôi muốn thử sức mình trong lĩnh vực mới: ngôn ngữ điện ảnh và vay mượn nó cho cuốn tiểu thuyết mới của mình.

Nhưng trong tiểu thuyết Hành trình của sói, anh bị nhận xét là chưa làm rõ ranh giới giữa thể loại báo chí và văn học trong tác phẩm. Bây giờ anh lại định vay mượn ngôn ngữ điện ảnh vào tác phẩm của mình, chuyện gì sẽ xảy ra?

- Đấy là một cách nói nhưng tôi bảo tôi cố ý lầm lẫn như thế thì sao? Theo quan điểm của tôi, văn chương đòi hỏi tư duy còn báo chí đòi hỏi thông tin sống. Nhưng dù là báo chí hay văn chương thì cũng do chữ nghĩa tạo thành, miễn sao được bạn đọc chấp nhận. Đó là điều mà tôi quan tâm nhất.

Và dù anh có viết tiểu thuyết xã hội đen hay truyện ngắn chẳng liên quan gì đến đồng tính thì cuối cùng, độc giả vẫn chỉ nghĩ đến anh như một nhà văn chuyên viết về đồng tính. Anh nói sao về chuyện đó?

- Thành công khi viết về đề tài đồng tính là một bất ngờ và cũng là sức ép đối với tôi. Thay vì gọi tôi là nhà văn viết về đồng tính, nhiều người đã dùng từ một cách giản lược nhất: nhà văn đồng tính. Vì vậy, tôi rất mong muốn thoát khỏi cái bóng của hai từ đồng tính này. Nhưng rốt cuộc, tôi không sao thoát được dù có viết các tác phẩm khác không liên quan đến đồng tính.

Bây giờ thì tôi chấp nhận viết về đồng tính nhưng đòi hỏi phải có cái gì đó mới. Vì đến thời điểm này, cuộc sống của người đồng tính cũng bình thường rồi, không gây xôn xao như trước. Bên cạnh đó, đã bắt đầu xuất hiện một lớp người mới thâm nhập vào đề tài này như Trang Hạ, Vũ Đình Giang... báo hiệu chợ bắt đầu đông rồi. Bùi Anh Tấn không còn lẻ loi, cô đơn, nên chắc chắn sẽ có nhiều mới lạ, nhiều sắc thái mới.

Tôi chỉ muốn lưu ý một điều, đừng đem đồng tính ra để mua vui, kiếm tiền, biến nó thành một thứ nhớt nhát, õng ẹo, xanh xanh, đỏ đỏ đến ghê người như trong một số bộ phim gần đây.

Vì sao ngay từ đầu anh lại có ý tưởng viết về những người đồng tính?

- Tôi xin chia câu hỏi này ra làm hai: Thứ nhất - tay nhà văn này có vấn đề gì không? Thứ hai - do may mắn vớ được đề tài này. Ở vế thứ nhất, mọi người nghĩ gì thì đã nghĩ rồi. Vế thứ hai, rất tình cờ tôi là người bổ nhát cuốc đầu tiên vào lịch sử văn chương Việt Nam khi khai phá đề tài này. Vốn lớn lên và tiếp thu một nguyên tắc bất di bất dịch: âm là âm, dương là dương, mặt trăng là mặt trăng, mặt trời là mặt trời nên đến một ngày tôi phát hiện ra có điều gì đó không bình thường.

Đó là vào khoảng thời gian năm 1993-1994, tôi làm báo nên có dịp tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới khác nhau. Qua đó tôi nhận thấy có những người rất lạ... Tò mò không hiểu có tình yêu giữa hai người cùng giới không, trần trụi hơn, họ giải quyết về xác thịt như thế nào, họ đau đớn, dằn vặt ra sao, tôi quyết định đi tìm câu trả lời... Năm 1995, Một thế giới không có đàn bàra đời và trở thành một hiện tượng văn học. Phần vì thời điểm đó Internet chưa vào Việt Nam nên cuộc sống chưa thoáng như bây giờ, phần vì tôi viết không dở lắm. Bằng chứng là tác phẩm của tôi nhận được nhiều giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, được lên phim ảnh, được thương lượng dịch ra tiếng nước ngoài. Đáng nói hơn nữa, dù sau này, có người viết hay hơn tôi gấp tỷ lần về đề tài này thì cái tên Bùi Anh Tấn vẫn được chắc đến.

Khoảng thời gian quyết định đi tìm câu trả lời, anh vẫn vô danh. Anh đã gặp những khó khăn gì?

- Khó khăn rất nhiều. 10 năm về trước, để đi tìm họ, tôi phải tưởng tượng mình là người đồng tính. Đến khi gặp họ rồi, không may bị họ tưởng thật, tôi chạy bán sống bán chết. Chưa hết, khi đi cùng một cậu em đến tụ điểm bán dâm nam, đụng phải công an, tôi phải chạy. Về nhà kể chuyện, mọi người mắng tôi Sao mày dại thế! Nếu công an bắt được thì lấy gì để thanh minh mình đang đi xâm nhập thực tế?. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy trời vẫn còn thương mình. Nếu như ai đó bắt gặp tôi vào vũ trường với dân gay hay thập thò ở một gốc cây nào đó thì đúng là tôi chẳng biết ăn nói làm sao.

Bây giờ thì khác rồi. Ai cũng biết tôi là nhà văn viết về đồng tính nên đi đâu cũng được...

Còn giới đồng tính xử sự với anh như thế nào?

- Tôi được rất nhiều người quý mến, trong đó có những sự quý mến vượt quá giới hạn. Có người yêu đương, có người ngỏ lời. Ngược lại, cũng có người chửi bới vì coi tôi là giả dối khi không chấp nhận tình cảm của họ. Nói chung, trăm người trăm tính nên tôi cũng không biết làm sao. Bây giờ thì tôi già rồi (cười).

Anh thấy mình già vì không còn nhận được những lời ngỏ như thế nữa?

- Vẫn còn, và tôi vẫn phải từ chối và thanh minh với họ một cách mềm mỏng: Tôi không như thế. Bởi đó là những người rất nhạy cảm nên mọi xử sự của mình đối với họ cần phải tế nhị.

Trước kia, nhiều người tìm đến khóc lóc, kể lể chuyện riêng với tôi. Bây giờ phương tiện thông tin đại chúng nhiều nên họ không còn bối rối, hoang mang khi phát hiện ra mình khác với mọi người nên chả cần tôi. Chỉ có những bậc phụ huynh hỏi con tôi như vậy thì phải làm sao hay vợ, chồng, anh, em, người thân của những người đồng tính tìm đến để tư vấn, chia sẻ.

Trong kho tư liệu đầy ắp của anh, có những câu chuyện nào buồn?

- Bạn đọc của tôi có độ tuổi từ 13 đến 60 và hầu hết đều có hoàn cảnh rất tội nghiệp. Có người cả đời vật lộn, trăn trở để trả lời một câu hỏi duy nhất: Tôi là ai? Tôi nhớ mãi câu chuyện của một vị giáo sư có tiếng tăm, vợ con đề huề nhưng vẫn lén lút đi với trai, lưu hình của trai trong máy vi tính. Đến khi vợ phát hiện, ông đành chấp nhận sự thật bẽ bàng. Con cái biết chuyện thì khinh bỉ, ghê tởm, không còn coi ông là bố. 60 tuổi, ông ra tòa ly dị, tiếp tục kiếm tiền nuôi trai và không ngớt xỉ vả mình là đồ đê tiện. Ông tiêu biểu cho bi kịch của một người luôn vật lộn với chính bản thân mình.

Câu chuyện khác là của một cô gái. Thời sinh viên, cô quý mến một cô bạn gái. Lúc đầu chỉ ngỡ là tình cảm bạn bè thông thường nhưng không ngờ cô đem lòng yêu và chủ động tấn công bạn mình. Cô bạn bị tấn công sợ quá nên bỏ chạy, khóc lóc, mời tôi ra làm trọng tài. Tôi đã khuyên cô gái: Em phải chấp nhận thực tế là bạn em không phải người đồng tính nên em hãy để bạn được tự do. Một thời gian sau cô gái đi du học ở Singapore và vẫn giữ liên lạc với tôi. Cô tâm sự qua mail, thỉnh thoảng cô vẫn nhớ người bạn gái nọ và thấy cay đắng với mối tình đó. Tôi hiểu rằng đó đúng là mối tình đầu của cô - một mối tình vô vọng.

Bất đắc dĩ trở thành nhà tư vấn về giới tính, anh cảm thấy sao?

- Phiền chứ. Cứ đến tối tôi ít khi để điện thoại, hoặc bắt gặp cuộc điện thoại lạ sẽ không nghe. Đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, tôi lại an ủi mình trót mang cái nghiệp vào thân.

Vậy còn chuyện lấy vợ, anh tính thế nào?

- Khi nào tìm được người phụ hợp thì tôi lấy. Tôi chỉ cần người hiểu tôi.

Nhưng hiểu anh thì hơi bị khó?

- Chính vì khó nên bây giờ tôi vẫn như thế này.

Bố mẹ anh thì sao?

- Quá sốt ruột ấy chứ. Mỗi lần về, các cụ lại than: Con không lấy vợ để các chị hàng xóm nói hoài. Mà nói đâu xa, bản thân tôi cũng sốt ruột lắm vì cũng đã đến lúc phải lập gia đình. Riêng bạn bè cứ thích tôi lình xình như thế này.

Anh nghĩ sao nếu đó là một trong nhiều cái giá phải trả khi anh dấn thân vào nghiệp văn chương với những con người hết sức đặc biệt này?

- Tôi không biết nói thế nào cả nhưng chị dùng từ trả giá thì nghe nghiêm trọng, nặng nề quá. Nếu tôi gật đầu, có thể người ra cho rằng tôi đang làm to chuyện lên. Viết văn là công việc tự nguyện nên tôi không có quyền trách ai. Tôi chỉ là một nhà văn bình thường, lấy viết lách làm niềm vui riêng và sống trong sự quý mến của bạn bè.

Với tôi, chỉ cần làm được những điều mình mong muốn trong cuộc đời này đã là một hạnh phúc. Tôi vốn được đào tạo trong ngành công an chứ không chọn nghề văn. Nhưng có lẽ do tâm hồn mơ mộng quá nên tình cờ trở thành nhà văn. Vừa được làm công an, vừa được vinh tặng là nhà văn, thì thử hỏi tôi còn muốn gì thêm nữa.

 Có những lời đồn đại rằng, sống lâu hoặc tiếp xúc lâu với những người đồng tính sẽ dễ bị lôi kéo và từ từ nhiễm họ, sống cuộc sống như họ. Vậy thực hư thế nào?

- Tôi xin khẳng định trong đồng tính không có lây nhiễm, nhưng ảnh hưởng thì có. Ví dụ như tôi chẳng hạn. Đi đâu, gặp ai tôi cũng săm soi, nghi ngờ xem họ thuộc hệ nào. Giả sử một mai tôi trở thành người đồng tính, có nghĩa là tôi trở về với bản chất của mình mà từ trước tới giờ tôi không thừa nhận. Chứ đặt vấn đề lây nhiễm, coi đó như một căn bệnh thì tội cho người đồng tính quá vì họ có kêu tôi ngủ với họ đâu. Tôi tự nguyện cơ mà!

Gần đây cái nhìn về thế giới thứ ba ở Việt Nam đã thoáng hơn. Đâu đó đã xuất hiện những ca sĩ chuyển đổi giới tính, những bộ phim, ca khúc, vở kịch... viết về đề tài này. Là nhà văn đồng cảm với người đồng tính, anh đánh giá sao về những tín hiệu này?

- Đó là tín hiệu tích cực, gây chú ý, đánh động dư luận nhưng theo tôi cũng chẳng được bao nhiêu. Chỉ có một vài cá nhân lẻ tẻ lên đài báo tuyên bố tôi đồng tính sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả. Vì đây là vấn đề của loài người chứ không của riêng một quốc gia, khu vực nào. Trong khi đó ở Việt Nam chưa có bộ luật nào dành cho người đồng tính. Xã hội vẫn được phân chia thành hai giới rõ rệt: hoặc đàn ông, hoặc đàn bà.

Phải đến bao giờ xã hội có cái nhìn thông thoáng như một số nước châu Âu coi đồng tính là chuyện bình thường, thì may ra, người đồng tính mới thôi không vật lộn, day dứt, trăn trở, đớn đau với những bi kịch của đời mình. Đến ngày đó chắc còn lâu lắm!

Gay hay less anh đều viết rồi, bây giờ anh dự định sẽ viết về cái gì?

- Sắp tới tôi sẽ ra mắt cuốn tiểu thuyết Và ta, và em, và cả bầu trời. Trong cuốn tiểu thuyết này tôi đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất, tình yêu đồng tính là có thật dù phải chịu nhiều đắng cay, sức ép, nhiều khổ sở, đau đớn hơn những mối tình bình thường. Thứ hai, tôi lấy một nhân vật nam chính ở độ tuổi của tôi để đặt vào trong hoàn cảnh một người đàn ông bình thường, sống cuộc sống bình thường và có những mối quan hệ bình thường sẽ làm gì nếu một ngày kia anh ta phát hiện ra mình là người đồng tính.

Nghe anh tóm tắt, tôi đã hình dung ra người đàn ông đó chính là anh chứ không phải ai khác?

- Tốt thôi, bình thường thôi. Thiên hạ nghĩ về tôi nhiều rồi nên bây giờ có nghĩ nữa cũng chẳng sao. Thực ra, đó chỉ là một thủ pháp văn chương. Tôi đặt tôi vào độ tuổi của nhân vật để dễ phán đoán tâm lý, mức độ phản ứng của nhân vật trước từng tình huống. Có như thế nhân vật của tôi mới thực hơn, sống động hơn.

Trước sau, anh vẫn khẳng định mình là người bình thường?

- Tôi chẳng khẳng định gì cả. Vì người ta có tin tôi đâu!

Vậy anh là ai?

- Tôi là tôi - Bùi Anh Tấn, một nhà văn chuyên viết về đồng tính!

Nguồn: Hồng Minh
(Mỹ Thuật)

http://nxbtre.com.vn/tac-gia/bui-anh-tan-thien-ha-nghi-toi-dong-tinh-cung-chang-sao.222.3532.aspx

 

 

 

 


Bạn cần đăng nhập để xem link Tải về