Sáng tác và biên khảo trên mạng về dòng văn học đồng tính

Sự mập mờ văn hóa trong các biểu thị về đồng tính luyến ái tại Việt Nam đương đại: Thử đọc tiểu thuyết của Bùi Anh Tấn theo chủ nghĩa Lịch Sử Mới  (CCIHP/Lit-2013_1)

 

 Đây là bài viết công phu, có cách tiếp cận lí giải mới mẻ về hiện tượng đồng tính trong văn học Việt Nam. Do khuôn khổ của báo ,Văn nghệ Trẻ xin trích đăng một phần nội dung của tham luận này. Tên bài “Văn học đồng tính: Những kẻ lạc loài từ truyện ngắn Xuân Diệu đến tiểu thuyết Bùi Anh Tấn”. Những dấu (…) trong bài viết là do chúng tôi lược bớt bản văn (*)

 

Nhà thơ Xuân Diệu nổi tiếng chủ yếu qua thơ tình của ông, và bài thơ “Tình trai” vẫn là một trong những phát ngôn sớm nhất về tình yêu đồng giới nam trong văn chương Việt Nam hiện đại.[1] Trong tập văn xuôi ít biết đến hơn vào năm 1939 là Phấn thông vàng có một truyện ngắn về “Chó mèo hoang”, những con vật lạc loài được dùng làm ẩn dụ khó lầm cho những con người biến dị và lạc loài trong thế giới tình dục dị tính quy phạm.[2] (…)

 

Hơn 60 năm sau, vào đầu thế kỷ 21, một số nhân vật đồng tính trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại cũng đã ngỏ những lời kêu gọi thông cảm và chấp nhận tương tự. Nhân vật chính của một cuốn tự truyện đồng tính đã một mực khẳng định: “Người đồng tính chúng tôi không có lỗi. Đó không phải là sự lựa chọn của chúng tôi. Xin đừng ghét bỏ, đừng kỳ thị chúng tôi vì một hiện tượng tự nhiên, bẩm sinh. Chúng tôi sinh ra là kẻ lạc loài, phải chịu sống cái phận của kẻ lạc loài.”[3] Hai nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết đoạt giải của Bùi Anh Tấn là Một Thế Giới Không Có Đàn Bà cũng chia sẻ viễn cảnh bi quan và định mệnh này: “Trong cuộc đời mênh mông này, chúng ta chỉ là những kẻ lạc loài, trôi dật dờ bên lề của cuộc sống, vì đời không chấp nhận chúng ta.”[4] Một nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết khác về đề tài đồng tính của Bùi Anh Tấn nâng cao giọng điệu cay đắng khổ sở còn văng vẳng ẩn dụ thú vật đáng thương của Xuân Diệu: “…yêu đương đấy nhưng rồi nhìn nhau trong bầy nhầy thê thảm, ứa nước mắt vì chẳng biết rồi mai này mình sẽ về đâu, đi đâu một khi thân xác này già nua nhăn nheo, theo năm tháng tàn tạ úa đi thì cuộc đời một kẻ đồng tính xem ra thảm hơn con chó ghẻ ngoài đường.”[5]

 

Qua mẩu chuyện kể trên trong truyện ngắn “Chó mèo hoang” của Xuân Diệu, chúng tôi muốn tiến vào thử đọc một nhóm tiểu thuyết về đề tài đồng tính của Bùi Anh Tấn, cụ thể là Một Thế Giới Không Có Đàn Bà, Les – Vòng Tay Không Đàn Ông, vàPhương Pháp của A.C. Kinsey.[6] (…)

Như thể để đưa cái bóng của nhà thơ vào câu chuyện qua nhân vật cậu bé Sơn, tuy có nhủ lòng thương xót số phận của bọn chó hoang nhưng vẫn một mực ghê sợ hoàn cảnh lạc loài của chúng, Xuân Diệu đẩy truyện ngắn của mình đến một kết thúc thảm khốc để gây sốc cho chính mình và độc giả của mình rời khỏi sự bất nhẫn bất nhân: “Sơn rùng mình, vì chàng thấy mình đương dẫm lên trái tim tội nghiệp của một con vật tồi tàn. Và Sơn hoa mắt đi, tưởng chân mình dính xương máu nát tan như xương máu của một con chó chết chẹt ôtô.”[7] Đó là số phận thê thảm của nhiều người đồng tính Việt Nam, đến nỗi ẩn dụ đáng sửng sốt này vẫn không mất tiếng vang trong xã hội Việt Nam đương đại.[8] (…)

 

Và cũng giống như bọn chó hoang khốn khổ trong truyện ngắn của Xuân Diệu, các nhân vật đồng tính trong Một Thế Giới Không Có Đàn Bà của Bùi Anh Tấn có thể nhận được sự thương hại nhưng không được sự chấp nhận của tác giả: “[Con chó hoang] nó đã xin lòng thương, nó đã được lòng thương nhiều lắm, ngập cả tâm hồn người đã đành tâm bỏ nó” tất cả chỉ vì người ta còn sợ là nó có thể “dại” hay “hoang”.[9] (…) Chính Bùi Anh Tấn cũng xác định một mục đích xã hội trong lời tựa của cuốn sách: “… tiểu thuyết này không phải là một ‘tuyên ngôn về tình dục’ hay mang ý nghĩa ‘bao che cho các hiện tượng đồng tính luyến ái ở Việt Nam’ mà chỉ đặt ra một thực tế đã và đang diễn ra trong xã hội chúng ta hiện nay và chúng ta phải có thái độ quan tâm đúng mức.”[10] (…)

 

Một câu hỏi tự nhiên đối với sự lạc loài của những con người trái tự nhiên và bất bình thường và những con chó mèo hoang là: thế nào mới là tình trạng bình thường quy phạm lý tưởng cho họ? Thường thì điều này rất mập mờ một cách duy ngã, có vẻ như thế nào cũng được, miễn là không lạc loài. Như thể muốn bài bác giả thiết về hành vi: “Đồng tính luyến ái hoàn toàn không phải là sự lựa chọn đối với mỗi chúng tôi, không ai trong giới chúng tôi muốn như vậy. Nếu đó là lựa chọn, tôi ước sao có thể trở thành một người bình thường – dù là đàn ông hay phụ nữ. Hỡi ơi, với tất cả những chữ ‘nếu’…”[11] Cũng tương tự như vậy: “Thực lòng thẳm sâu trong tim, mình vẫn muốn, giá mà tất cả mọi người được sống bình thường như mọi sự bình thường trên cuộc đời này, thế là hạnh phúc nhất.”[12] Chủ đề xuyên suốt ở đây có vẻ như là sự chối bỏ bản thân: “Hãy dẹp bỏ chuyện đồng tính sang một bên, hãy sống và làm việc như một người bình thường đi.”[13]

Lời tuyên bố rõ ràng nhất về tình dục dị tính quy phạm trong Một Thế Giới Không Có Đàn Bà được thể hiện trong những trang nhật ký của Phạm Hồng Bàng, nhân vật nhà khoa học đã tìm cách trốn khỏi sự lạc loài của mình qua việc thu xếp một án mạng tự tử để giữ sĩ diện: “Xin đừng ai và đừng bao giờ là một kẻ đồng tính luyến ái, sự đau khổ một đời người mà tôi đã phải trải qua, quá đủ rồi, cũng chính là tôi đã phải trả giá cho kiếp trước của mình chăng. Xin đừng ai như tôi.”[14] Trong khi đã tự chấp nhận bản thân là đồng tính, nhân vật chính trong tự truyện “Bóng” cũng nhìn nhận ảnh hưởng của tình dục dị tính quy phạm đối với người yêu hiện nay của mình: “Tôi đã xác định rõ ràng rằng mình sẽ cô đơn, số kiếp của một người đồng tính là thế. Tôi sẽ vui vẻ chứng kiến việc [người yêu] chia tay tôi để đến với gia đình riêng, có vợ có con như mọi người đàn ông bình thường khác.”[15]Và trớ trêu thay trong một cuốn tiểu thuyết khác về đề tài đồng tính– Phương Pháp của A.C. Kinsey – Bùi Anh Tấn lại mớm lời cho một người vợ phiền muộn vì chồng ngoại tình đã thuê thám tử tư dò xét, sau đó dẫn đến một chuỗi sự kiện tai hại cho mọi người liên can: “Tôi tìm đọc và nghiên cứu về chuyện đồng tính, dần dần vỡ ra nhiều hiểu biết, nay thì tôi sẵn sàng tha thứ tất cả cho anh, miễn anh đừng như vậy nữa. Hãy là một người đàn ông đúng nghĩa, là chồng tôi.”[16] Lời tuyên bố này không chỉ nhấn mạnh về tình dục dị tính quy phạm, mà việc tha thứ và chấp nhận nói trên còn phụ thuộc vào sự chối bỏ đồng tính luyến ái đi trước hết.

 

 Không ở đâu mà sự xâm nhập của tình dục dị tính quy phạm lại thấy ngượng nghịu như ở cuối Một Thế Giới Không Có Đàn Bà. Sau gần 500 trang miêu tả cái thế giới đen tối của đồng tính luyến ái, thì đùng một cái khoảng 8 trang cuối cuốn tiểu thuyết lại giới thiệu hai cô gái – là bạn học trung học của Thành Trung vào bệnh viện thăm khi Trung đang dưỡng bệnh – hai cô gái này lại trở thành bạn cặp đôi, nếu không minh bạch là đối tượng tình cảm, đối với cặp tình nhân Thành Trung và Hoàng nay bỗng dưng lại xa cách nhau trong xã giao và tình cảm. Sự hiện diện của phái nữ này là cần thiết cho sự chuyển tiếp của hai nhân vật đồng tính chính này sang một thế giới mới của tình dục dị tính quy phạm, một thế giới CÓ đàn bà, một thế giới trong đó Thành Trung được cặp với một cô bạn học vốn yêu thầm nhớ trộm từ thuở trung học, và Hoàng được cặp với một cô bạn gái sẽ đưa chàng vào thế giới điện ảnh.[17] Sau đó cuốn sách kết thúc một cách hoan hỉ trong gia đình Trung tá Nguyễn Lân, nhân vật của sự vươn lên khắc phục bản thân và uy quyền của tình dục dị tính quy phạm.[18] Kết cục này đã bị phê bình là khá “dễ dãi” trong việc giải quyết cho Thành Trung và Hoàng “hết” đồng tính luyến ái vì hai người đã tìm được tình yêu của hai bạn gái.[19] Nó cũng làm các độc giả là người đồng tính phân vân không ít: “Đặc biệt cái kết của cuốn sách là điều chúng tôi không thấy thỏa mãn. Nếu trong cuộc đời thực sự có một cái kết như thế– các chàng gay đều trở lại ‘bình thường’, có người yêu là phụ nữ, lấy vợ, gia đình hạnh phúc ấm êm – thì chúng tôi đã chẳng bao giờ phải đau khổ.”[20] Chính Bùi Anh Tấn cũng thú nhận trong một bài trả lời phỏng vấn trên mạng rằng vai trò của kiểm duyệt để được in đã khiến cho Một Thế Giới Không Có Đàn Bà “bị cắt xén hoặc bắt buộc phải sửa đổi khá nhiều”: “Đó cũng là nguyên nhân mà nhân vật chính trong đó cuối cùng trở về giới tính bình thường, điều mà thực tế là một chuyện rất khó khăn.”[21]

 

Bất kể một kết cục ngượng nghịu, cuốn Một Thế Giới Không Có Đàn Bà của Bùi Anh Tấn đã được đánh giá là thành công trong thông điệp đúng đắn về mặt xã hội và chính trị của nó. Sau khi đoạt giải A trong cuộc thi tiểu thuyết và ký “Vì An Ninh Tổ Quốc và Bình Yên Cuộc Sống” (1999-2002), do Bộ Công An và Hội Nhà Văn Việt Nam cùng tổ chức, cuốn sách liền được chuyển thể sang thành một bộ phim truyền hình 10 tập trong series phim “Cảnh Sát Hình Sự” được ưa chuộng. Nhờ danh tiếng văn học và việc chuyển thể thành phim khiến nhiều người biết đến hơn, cuốn sách đã có tiếng tăm trong và ngoài nước.[22] Mặc dù chính Bùi Anh Tấn chấp bút viết kịch bản, bộ phim đã chuyển địa điểm từ TPHCM trong Nam ra Hà Nội ngoài Bắc một cách không được thuyết phục cho lắm, và theo đạo diễn Vũ Minh Trí thì phim nhấn mạnh nhiều hơn vào các vụ án hơn là tâm lý nhân vật.[23]Như thể không mấy hài lòng với kết quả,[24] sau đó Bùi Anh Tấn đã bán quyền làm phim của hai cuốn sách về chủ đề đồng tính của mình – Phương Pháp của A.C. KinseyMột Thế Giới Không Có Đàn Bà – cho nhà làm phim Việt kiều Canada là Ngô Cường, trong các dự án riêng biệt còn đang phát triển, trong khi tác giả cũng đã được mời viết kịch bản cho phim.[25] 

 (còn nữa)

Nguyễn Quốc Vinh

 



[1] Nguyễn Quốc Vinh, “Những nhục thể biến dị và các động thái chuyển vị của dục cảm đồng tính trong văn chương Việt Nam từ và về thời Pháp thuộc (1858-1954)” Talawas (2002). Trên mạng tại: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1055&rb=0503.

[2] Sách đã dẫn.

[3] Hoàng Nguyên – Đoan Trang, “Bóng” – Tự Truyện của Một Người Đồng Tính, (Hà Nội: Văn Học & Domino, 2009), tr. 322-323.

[4] Bùi Anh Tấn, Một Thế Giới Không Có Đàn Bà, (Hà Nội: Công An Nhân Dân, 2000), tr. 459.

[5] Bùi Anh Tấn, Phương Pháp của A.C. Kinsey, (TPHCM: Trẻ, 2008), tr.67.

[6] Bùi Anh Tấn, Một Thế Giới; Bùi Anh Tấn, Les – Vòng Tay Không Đàn Ông, (TPHCM: Trẻ, 2005); Bùi Anh Tấn, Phương Pháp của A.C. Kinsey.

[7] Xuân Diệu, Phấn Thông Vàng [1939], (Saigon: Ngày Mai, 1968), tr. 110.

[8] Ngay cả một cuốn tự truyện ngang ngạnh như của Thành Trung cũng mở đầu bằng vụ tự tử kinh hoàng của một người tình tên là K, và động lực để bắt tay vào viết cuốn tự truyện lại rơi vào dịp giỗ thứ hai của sự kiện này. Phạm Thành Trung – Lê Anh Hoài. Không Lạc Loài – Tự Truyện Thành Trung, (Hà Nội: Hội Nhà Văn, 2009), chương 1 & 2; cuối chương 16.

[9] Xuân Diệu, Phấn Thông Vàng, tr. 107 & 109.

[10] Bùi Anh Tấn, Một Thế Giới, tr. 6.

[11] Hoàng Nguyên – Đoan Trang, “Bóng”, tr. 29.

[12] Bùi Anh Tấn, Phương Pháp của A.C. Kinsey, tr. 199.

[13] Sách đã dẫn, tr. 280.

[14] Bùi Anh Tấn, Một Thế Giới, tr. 445.

[15] Hoàng Nguyên – Đoan Trang, “Bóng”, tr. 322. Việc anh ta tự chấp nhận bản thân không phải không có đôi chút tiếc nuối tình dục dị tính quy phạm cho chính mình: “Không, tôi không hạnh phúc. Nhưng tôi chấp nhận cuộc sống của tôi và chấp nhận chính tôi… Nếu như tôi là người bình thường… Giá như tôi được là một người đàn ông bình thường… thì tôi sẽ có nhiếu cơ hội để hạnh phúc. Nhưng tôi và cộng đồng giới tính thứ ba đã không được lựa chọn.” (tr. 333).

[16] Bùi Anh Tấn, Phương Pháp của A.C. Kinsey, tr. 374.

[17] Bùi Anh Tấn, Một Thế Giới, tr. 480-488. Trong cuốn sách người bạn gái của Hoàng giới thiệu anh với anh trai của cô ta là đạo diễn phim truyền hình và thuyết phục anh trai mình chọn Hoàng vào vai chính trong một bộ phim truyền hình 12 tập sắp tới; trong bộ phim truyền hình, bạn gái của Hoàng vừa tốt nghiệp đạo diễn phim và đang tìm diễn viên chính cho bộ phim đầu tay của mình. 

[18] Sách đã dẫn, tr. 489.

[19] Đoàn Thạch Biền, “Đọc sách: Một Thế Giới Không Có Đàn Bà,” Người Lao Động (11/2000), in lại trong Bùi Anh Tấn, Đối Thoại với Một Thế Giới Không Có Đàn Bà (Phụ lục và những truyện ngắn), (Hà Nội: Văn Học, 2004), tr. 72.

[20] Hoàng Nguyên – Đoan Trang, “Bóng”, tr. 299-300.

[21] VNN, “Một Thế Giới Không Có Đàn Bà ‘lên’ phim” Việt Báo (18-10-2003). Trên mạng tại: http://vietbao.vn/Van-hoa/Mot-the-gioi-khong-co-dan-ba-len-phim/40005433/181

[22] Margie Mason, “Vietnam TV tackles gay issues: Seeks to debunk myths, stereotypes,” Associated Press (19-09-2004). Trên mạng tại: http://www.boston.com/news/world/articles/2004/09/19/vietnam_tv_tackles_gay_issues

[23] “‘Thế Giới Không Đàn Bà’ với khâu chọn diễn viên,” Việt Báo (theo VnExpress.net) (20-9-2004). Trên mạng tại: http://vietbao.vn/Van-hoa/The-gioi-khong-dan-ba-voi-khau-chon-dien-vien/10879197/181

[24] Trần Hoanh, “Nhà văn Bùi Anh Tấn: ‘Gay’ hay ‘Les’ tôi đều thích cả,” Việt Báo (theo VietNamNet) (9-8-2005). Trên mạng tại: http://vietbao.vn/Van-hoa/Nha-van-Bui-Anh-Tan-Gay-hay-Les-toi-deu-thich-ca/20477125/181

[25] Viên Sơn, “’Một Thế Giới Không Có Đàn Bà’,” Báo Đất Việt (5-12-2009). Trên mạng tại: http://www.baodatviet.vn/Home/vanhoa/Mot-the-gioi-khong-co-dan-ba/200912/71048.datviet; “Oversea Vietnamese director acquires film rights to two books,” VietNamNet/Viet Nam News Lifestyle in Brief (22-10-2009). Trên mạng tại:http://e.maivoo/com/Culture/LIFESTYLE-IN-BRIEF-22-10/2173.html

 

 

Nguồn: Văn nghệ Trẻ

 (*): Bản đầy đủ, tác giả gửi tới CCIHP khi chúng tôi liên lạc để chuẩn bị cho cuốn sách Queer Forever! Festival

 


Bạn cần đăng nhập để xem link Tải về