Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP) trân trọng giới thiệu Bộ sưu tập các hiện vật và tư liệu liên quan người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) ở Việt Nam. Bộ sưu tập được trình bày theo 6 đề mục lớn, gồm (i) Các hiện vật từ người LGBT, (ii) Các tư liệu truyền thông trên mạng Internet liên quan LGBT, (iii) Các tư liệu in liên quan LGBT, (iv) Các hoạt động vận động xã hội về LGBT và quyền của người LGBT, (v) Các thảo luận về LGBT trên mạng xã hội, và (vi) Văn học nghệ thuật về LGBT. Bộ sưu tập này là nỗ lực ban đầu từ CCIHP và chỉ thể hiện được một phần nhỏ cuộc sống của người LGBT cũng như sự thay đổi trong diễn ngôn về LGBT trong xã hội Việt Nam theo thời gian. Chúng tôi hy vọng cộng đồng LGBT và các nghiên cứu viên sẽ đóng góp thêm các hiện vật, câu chuyện và tư liệu khác để Bộ sưu tập thể hiện được bức tranh lớn hơn về LGBT, cũng như giúp ích nhiều hơn cho việc tìm hiểu về LGBT ở Việt Nam.

 

Từ năm 2009 CCIHP bắt đầu thực hiện ý tưởng xây dựng bộ sưu tập hiện vật và tư liệu về LGBT ở Việt Nam khi triển khai nghiên cứu “Kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam từ góc nhìn lịch sử và xã hội” (Nghiên cứu do Quỹ Ford tài trợ, nghiên cứu viên chính: Bs. Ths. Hoàng Tú Anh). Cùng với việc phỏng vấn, trò chuyện với các cá nhân và nhóm cộng đồng LGBT ở nhiều địa phương và lứa tuổi, nhóm nghiên cứu bắt đầu thu thập các hiện vật cùng câu chuyện đi kèm. Nhiều người từng ở miền Nam Việt Nam trước 1975 và một số người đang sống ở nước ngoài đã đóng góp nhiều kỉ vật cá nhân khi họ biết được thông tin về cuộc nghiên cứu. Trong giai đoạn đầu thu thập các hiện vật và câu chuyện (2009 – 2010), nhóm nghiên cứu đã tiếp xúc với cộng đồng LGBT ở nhiều tỉnh và thành phố, gồm Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Thành phố Hồ chí minh, Cần Thơ và Vĩnh Long.

 

Trong một loạt các nghiên cứu tiếp theo với người LGBT về kỳ thị và phân biệt đối xử, bạo lực gia đình, và bạo lực trên cơ sở giới, nhóm nghiên cứu tiếp tục thu thập các tài liệu và hiện vật có liên quan để làm phong phú thêm cho bộ sưu tập. Trong giai đoạn 2011 – 2012, các nghiên cứu viên nảy sinh ý tưởng thu thập các tài liệu liên quan đến LGBT trong xã hội Việt Nam đương đại, bao gồm các tài liệu được chia sẻ trên Internet, các tài liệu được lưu giữ trong các thư viện tại 2 thành phố Hà nội và Hồ chí minh, và cả các tài liệu được in ấn như các tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật, sách giáo khoa, từ điển, âm nhạc v.v. Nhóm nghiên cứu còn liên hệ phỏng vấn và thu gom tài liệu, hiện vật từ các chuyên gia đã có kinh nghiệm làm việc hoặc tiếp xúc nhiều với cộng đồng LGBT ở nhiều lĩnh vực: sử học, nhà văn, nhà báo, bác sĩ, nghệ sĩ – hoạ sĩ, nhà xã hội học và chuyên gia tư vấn.

 

Năm 2011, hai cuộc trưng bày nhỏ được thực hiện dựa trên các hiện vật, tài liệu và câu chuyện đã thu thập, gồm “Tình yêu, Nỗi đau và Lịch sử” tại Thành phố Hồ chí minh, và “Tình yêu và Nỗi đau” tại Madrid, Tây Ban Nha. Từ tháng 5/2014 đến tháng 3/2015, cùng một số bảo tàng và tổ chức phi chính phủ Việt Nam, CCIHP đã tham gia dự án Nâng cao năng lực về trưng bày bảo tàng do văn phòng UNESCO tại Việt Nam điều phối, Viện Thuỵ Điển tài trợ và Bảo tàng Unstraight Museum hỗ trợ kỹ thuật. Trưng bày tổng kết dự án mang tên “Những ngăn tủ” (The Cabinet), trong đó CCIHP đã đóng góp phần lớn hiện vật, tài liệu và câu chuyện

Các hiện vật về cuộc đời của người LGBT

Tư liệu in trước năm 2000

Thảo luận về đồng tính luyến ái trên các mạng xã hội

Vận động xã hội về quyền LGBT