Hội thảo: "Phổ biến kết quả nghiên cứu dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thân thiện với các nhóm thanh niên đặc thù dễ bị tổn thương:

Thứ Năm, 09/07/2020
Hội thảo: "Phổ biến kết quả nghiên cứu dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thân thiện với các nhóm thanh niên đặc thù dễ bị tổn thương:
Ngày 30/06/2020, hội thảo: "Phổ biến kết quả nghiên cứu dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thân thiện cho các nhóm thanh niên đặc thù, dễ bị tổn thương" do Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số CCIHP tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của gần 70 đại biểu là đại diện lãnh đạo Vụ sức khỏe Bà mẹ trẻ em, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Sở y tế, cán bộ cung cấp dịch vụ, các cơ quan làm việc với thanh niên và các thủ lĩnh thanh niên đến từ cộng đồng thiểu số LGBTQI, người có HIV, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và các thanh niên nói chung.
 Hội thảo được tổ chức hướng tới hai mục tiêu chính: 
•Tăng tính nhạy cảm cho cán bộ y tế khi cung cấp dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản cho Vị thành niên – Thanh niên (VTN-TN) các nhóm thiểu số dễ bị tổn thương.
•Đưa ra các khuyến nghị cải thiện cung cấp dịch vụ thân thiện với VTN-TN các nhóm thiểu số dễ bị tổn thương trong khung kế hoạch hành động SKSSTDVTNTN giai đoạn 2018 – 2025.
 

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bác sĩ Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y Tế khẳng định: "VTN-TN thiểu số dễ bị tổn thương là một trong những nhóm ưu tiên trong cung cấp dịch vụ SKSSTD. Và để giải quyết những hạn chế trong cung cấp dịch vụ cho những nhóm này, bên cạnh ban hành và triển khai chính sách, việc truyền thông, nâng cao kiến thức, thái độ và kĩ năng cho cán bộ Y tế cần đặc biệt chú trọng".  Vụ trưởng cũng đánh giá cao về tính thiết thực của Nghiên cứu hành động có sự tham gia của thanh niên CCIHP thực hiện. Nghiên cứu đã đưa ra nhiều kết quả và khuyến nghị thiết thực cho cán bộ xây dựng chính sách về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục của VTN – TN.

 

Tại hội thảo, đại diện thanh niên SLEAD đã trình bày kết quả nghiên cứu hành động có sự tham gia của thanh niên “Tiếp cận thông tin và dịch vụ Sức khỏe Sinh sản Tình dục cho Vị Thành Niên – Thanh Niên nhóm thiểu số dễ bị tổn thương” do nhóm thực hiện năm 2019 dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). Nghiên cứu chỉ ra những khoảng trống về nhạy cảm về giới và đa dạng, tính bảo mật trong cung cấp thông tin, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thanh thiếu niên về sức khỏe tình dục và sinh sản, đồng thời đưa ra những khuyến nghị, mong muốn về một dịch vụ y tế thân thiện, thấu hiểu và đáp ứng đúng với nhu cầu của vị thành niên thanh niên.

 

 "Khuyết tật hay không khuyết tật thì đều có quyền làm mẹ, khuyết tật thay không khuyết tật thì đều cần được quan tâm về sức khỏe sinh sản. Đặc biệt đối với người tí hon chúng em, tí hon thì sao ạ? Tí hon thì là trẻ con. Mà trẻ con thì sao ạ? Trẻ con thì không có tiếng nói. Từ xưa đến nay những lời phát biểu của trẻ con thì thường bị bỏ qua và em cũng như thế... Điều em muốn nói ở đây, nếu dịch vụ y tế không có sự lắng nghe sự thấu hiểu, kể cả từ quy trình tiếp đón, thì những người khuyết tật, những người lùn hay những người có đặc thù riêng như chúng em sẽ không bao giờ có cơ hội để bước chân vào cánh cửa tiếp theo để gặp bác sĩ và tiếp cận các dịch vụ trong bệnh viện, chứ dừng nói rằng người khuyết tật, người tí hon không cần phải đẻ" - Chia sẻ từ bạn Lê Thị Thơm -  thanh niên đến từ cộng đồng người tí hon.

Bên cạnh đó, tiếng nói thanh niên cũng được thể hiện qua triển lãm “Chuyện Lòng – Chuyện Thuốc – Chuyện Thầy”. Các tác phẩm chính là những trải nghiệm đa dạng liên quan đến giới và tính dục của người trẻ. Đó là cảm giác thầm kín của cơ thể, sự tổn thương, hạnh phúc và mong ước; Là dội âm của những va đập hàng ngày với khuôn mẫu định kiến về giới và tính dục chi phối gia đình và xã hội. Những chia sẻ riêng tư đấy nhắc lại câu hỏi cho ngành giáo dục và y tế: “Chuyển biến thế nào để bắt nhịp cùng thế hệ trẻ?”

Kết thúc hội thảo, các đại diện thanh niên đến từ những cộng đồng thiểu số dễ bị tổn thương đã cùng nhau đọc khuyến nghị thanh niên, trong đó nhấn mạnh vào năm điểm:

  • Xây dựng dịch vụ y tế, hỗ trợ thăm khám, điều trị kịp thời, thân thiện, nhạy cảm với sự đa dạng về giới, tính dục, khuyết tật và dân tộc, bảo mật cho các nhóm vị thành niên, thanh niên đặc thù, dễ bị tổn thương
  • Cán bộ và nhân viên y tế đặc biệt là cán bộ công tác xã hội tại cơ sở y tế cần được tập huấn về đa dạng tình dục, tăng sự nhạy cảm khi tư vấn, cung cấp dịch vụ cho các nhóm khách hàng đặc thù, dễ bị tổn thương đồng thời giám sát chất lượng việc cung cấp thông tin và dịch vụ cho VTN/TN tại các cơ sở y tế và nhà thuốc.
  • Các cơ sở y tế tăng cường việc tuyển dụng tình nguyện viên và nhân viên là những người thuộc các nhóm đặc thù tham gia vào các công việc phù hợp bao gồm các hoạt động lâm sàng và phi lâm sàng như hướng dẫn thông tin, hỗ trợ xã hội, tư vấn, vv.
  • VTN/TN đặc biệt là VTN/TN các nhóm đặc thù cần được tham gia vào công tác tham vấn và đánh giá về dịch vụ của cơ sở y tế.
  • Chỉ số về tiếp cận và thân thiện với các nhóm VTN/TN đặc thù như người khuyết tật (các dạng khuyết tật khác nhau), người đồng tính, song tính và chuyển giới, người có H, vv cần được đưa vào trong chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ, thường kì của cơ sở y tế

Hội thảo đã mở ra không gian đối thoại cởi mở và tích cực giữa các nhà quản lý y tế, đơn vị cung cấp dịch vụ, các nhóm tổ chức cồng đồng làm việc về sức khỏe sinh sản tình dục của Vị thành niên – Thanh niên (VTN_TN) và các thanh thiếu niên trong cộng đồng. Những rào cản vẫn được nêu ra, vẫn còn đó những khoảng trống cần được lấp đầy. Tuy nhiên, chúng tôi, những người làm chương trình tin tưởng rằng, việc các nhà quản lý y tế, nhà cung cấp dịch vụ và thanh thiếu niên cùng lắng nghe, đưa ra giải pháp và cam kết hành động tích cực sẽ góp phần xây dựng một môi trường y tế thân thiện và chất lượng cho VTN-TN.

 

Cẩm Hằng



Các tin mới hơn


Các tin khác