Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên

Chủ Nhật, 26/10/2014
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên
Vấn đề tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhu cầu của thanh thiếu niên, đặc biệt thanh niên là công nhân là một trong những vấn đề được đặt ra tại buổi đối thoại chính sách, pháp luật về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh thiếu niên do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban các quốc gia về Thanh niên Việt Nam và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức ngày 24-9, tại Hà Nội.

 98 góc dịch vụ thân thiện, 152 Câu lạc bộ giáo dục sức khỏe sinh sản ở 38 tỉnh, thành chỉ dành cho vị thành niên, trong khi thanh niên cần phải có bảo hiểm y tế mới được sử dụng các dịch vụ này. Thanh niên là công nhân thường gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ y tế công vì họ thường không đăng ký hộ khẩu ở các thành phố nơi họ chuyển đến sinh sống.


Vấn đề tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhu cầu của thanh thiếu niên, đặc biệt thanh niên là công nhân là một trong những vấn đề được đặt ra tại buổi đối thoại chính sách, pháp luật về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh thiếu niên do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban các quốc gia về Thanh niên Việt Nam và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức ngày 24-9, tại Hà Nội.

Tiếp cận thông tin kém

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến của thanh niên cho rằng, những lần thâm nhập thực tế cho thấy thanh niên công nhân không thể tiếp cận được với các dịch vụ công về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, khiến họ dễ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn và nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc HIV.

Những thanh niên là công nhân cũng thường thiếu kiến thức về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Nhiều người chỉ tốt nghiệp tiểu học hoặc trung học cơ sở, trong khi giáo dục toàn diện về tình dục hiện chưa được giảng dạy trong các trường tiểu học hoặc trung học cơ sở của Việt Nam.

Hơn nữa, phần lớn công nhân thanh niên, đặc biệt các nữ thanh niên, bị bỏ sót trong các chương trình về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và kế hoạch hóa gia đình, do các chương trình này thường chỉ hướng tới các cặp vợ chồng đã kết hôn.

Việc cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho công nhân còn kém hiệu quả. Bạn Hoài Xuân – Thành đoàn Hồ Chí Minh lấy ví dụ, khu vực các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, phòng khám tư nhân (khám chui không giấy phép) hoạt động khá mạnh. Trong khi các phòng khám công chỉ hoạt động trong giờ hành chính thì các phòng khám tư này còn phục vụ cả ngoài giờ làm việc, 23 giờ đêm công nhân vẫn được tư vấn. Nhưng thực tế các phòng khám này lại cung cấp dịch vụ lừa đảo, có thể khám miễn phí nhưng phí điều trị lại cao. Các phòng khám tư này thường “vẽ ra” nhiều căn bệnh, công nhân nhận thức hạn chế, vì lo lắng nên chấp nhận “vay nóng” chi phí để chữa trị.

“Điều này cho thấy rằng thanh niên là công nhân đang thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, nhưng lại không được tiếp cận thông tin một cách chính thống và tin cậy. Chúng tôi mong muốn các ban, bộ, ngành vào cuộc, giải quyết vấn đề này, cũng như có thể tìm ra giải pháp nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các thanh niên công nhân được tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS”, Hoài Xuân nói.

Bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Sức khỏe, Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng, đây là nhiệm vụ chính của Bộ Y tế, Sở Y tế, các địa phương có các phòng khám này. Bà Hồng đề nghị Đoàn Thanh niên gửi công văn lên Sở Y tế, Bộ Y tế, nêu đích danh các cơ sở khám bệnh vi phạm, để Bộ Y tế chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra, xử lý các cơ sở này.

Ông Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ: "Tôi từng đi đến nhiều khu chế xuất tại Bình Dương, Đồng Nai… - những điểm nóng về sức khỏe sinh sản. Tôi thực sự “sốc” vì chứng kiến cảnh tượng những bào thai vứt ngay trong nhà vệ sinh, thùng rác".

Ông Phương cho biết thêm, Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ là tổ chức sự nghiệp thuộc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, thuộc Bộ Y tế có dịch vụ Tư vấn qua tổng đài 1900545586 về tâm lý tình cảm, dân số, sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình.

Tuy nhiên, khi hỏi một số đại diện thanh niên tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng tổng đài này còn chưa được biết đến, và mức phí là 1.000 đồng/ 1 phút sẽ khiến công nhân ngần ngại vì không có đủ chi phí.

Anh Trần Nguyên Công Toàn – Bí thư Đoàn TN Công ty Dệt kim Đông Phương cho hay, có nhiều đường dây tư vấn miến phí nhưng ngay cả Đoàn Thanh niên chưa nắm rõ thì công nhân khó có thể biết được, đòi hỏi cần phải truyền thông rộng rãi hơn nữa. Hơn nữa, tại các doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng chăm sóc SKSSTD cho công nhân, không có thời gian để các đoàn thể tổ chức các hội thảo truyền đạt thông tin về SKSSTD.

Hiện thực hóa các hình thức chăm sóc SKSSTD cho thanh niên công nhân

Từ thực tiễn, Trần Nguyên Công Toàn mong muốn các nhà hoạt động chính sách quan tâm đến thanh niên công nhân; các bộ, ban, ngành phối hợp tạo cơ chế thuận lợi, doanh nghiệp tạo điều kiện để thanh niên công nhân có cơ hội tiếp cận những vấn đề truyền thông về sức khỏe sinh sản.

Trung tâm sáng kiến sức khỏe và Dân số (CCIHP) kiến nghị, công nhân di cư cần được đề cập là một nhóm đối tượng cụ thể trong chiến lược và chương trình quốc gia về dân số và sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV/AIDS. Bộ Y tế cần có văn bản chính thức đưa ra quy định cho doanh nghiệp về việc thực hiện chương trình chăm sóc SKSSTD cho công nhân.

Kiến nghị nhấn mạnh cụ thể đến việc doanh nghiệp cần có chính sách tích cực cho công tác chăm sóc SKSSTD cho công nhân: tổ chức truyền thông về SKSSTD trong giờ làm việc ít nhất 1 lần/năm; mỗi lần 1 giờ; đưa khám phụ khoa vào khám định kỳ; không xét nghiệm HIV bắt buộc; có quy định cụ thể để phòng chống quấy rối, lạm dụng tình dục nơi làm việc...

Theo ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, Việt Nam có BHYT tuy nhiên có những lỗ hổng giữa các luật định và thực tế. “Cái khuyết thiếu là lực lượng y tế công với “tình thương”, nếu không có điều đó thì không thể giải quyết được vấn đề. Nhiều thanh thiếu niên công nhân bức xúc với thái độ của người cung cấp y tế, hoặc không yên tâm với sự bảo đảm độ bảo mật ở y tế công. Phải có những lý do để người trẻ tìm đến những dịch vụ tư. Tình thương, thái độ chính là điều chúng ta cần phải thay đổi để có thể giúp đỡ, hướng dẫn cho các thanh nhiên công nhân làm những điều đúng đắn”, ông Arthur nhấn mạnh.

Ước tính ở Việt Nam cứ 1.000 phụ nữ trong độ tuổi 15-19 thì có đến 46 người sinh con. Tỷ lệ này cao hơn so với nhiều nước ở châu Á. Con số này ở Myanmar chỉ là 17,4; Singapore là 5,2.
 
AN NGUYÊN
 


Các tin mới hơn


Các tin khác