Hội thảo Tổng quan Chính sách và mô hình chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số tại Việt Nam

Thứ Hai, 12/05/2014
Hội thảo Tổng quan Chính sách và mô hình chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số tại Việt Nam
Ngày 28 tháng 2 năm 2013, tại Grand Plaza, Hà Nội, Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) và tổ chức CARE hợp tác cùng Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng (RTCCD) tổ chức hội thảo Tổng quan chính sách và mô hình chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số.

Sau phát biểu khai mạc của bác sĩ Trần Hùng Minh – Đại diện CARE quốc tế tại Việt Nam, bà Nguyễn Mai Trang (CCRD) đã trình bày về dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe”. Nhận được sự tài trợ từ Atlantic Philanthropies, dự án kéo dài từ năm 2011 đến 2015 trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Điện Biên và Yên Bái. Từ một số kết quả điều tra đầu kỳ, dự án tập trung vào việc can thiệp về truyền thông thay đổi hành vi (truyền thông trực tiếp của nhân viên y tế thôn bản, kịch phát thành, biểu diễn văn nghệ tại cộng đồng) và bổ sung khoảng trống của các dự án về cung cấp dịch vụ: xây dựng năng lực lãnh đạo, truyền thông; các hoạt động hỗ trợ chuyển tuyến, dinh dưỡng cho trẻ em. Với việc tác động lên các nhóm đối tượng đích thay đổi hành vi như vậy, dự án đã đạt được thành công cơ bản qua một số chỉ số đánh giá giữa kỳ như tỷ suất tử vong mẹ giảm từ 579 xuống 60/1000.000 trẻ đẻ sống.

Tiếp đó, Bác sĩ Lê Thị Thanh Huyền – Quỹ dân số Liên Hợp Quốc trình bày dự án “Đào tạo và sử dụng cô đỡ thôn bản 18 tháng”. Đây là một giải pháp nhân lực hiệu quả cho cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa ở vùng dân tộc khi các vùng này gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế cũng như tình trạng thiếu nhân lực của ngành y tế. Dự án này được tiếp cận theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Thực hiện chương trình đào tào từ 3/2008 đến 3/2010; Giai đoạn 2: Cô đỡ dân tộc thực hiện việc cung ứng dịch vụ cộng đồng năm 2010 (ở hai giai đoạn đầu luôn có sự giám sát hỗ trợ của giảng viên, giám sát viên trung ương và các tỉnh) và Giai đoạn 3: Năm 2011: Đánh giá hiệu quả mô hình, xây dựng chính sách và kế hoạch triển khai nhân rộng. Qua việc thực hiện mô hình ở 3 địa phương: Hà Giang, Kon Tum, Ninh Thuận với khung chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo cụ thể, 95% cô đỡ thôn bản đã được các Sở Y tế đưa vào làm y tế thôn bản. Đồng thời, dự án tiếp tục được nhân rộng với những cải thiện đáng kể trong việc thiết kế chương trình đào tạo 4 học phần: 6+3+6+3 đáp ứng được yêu cầu của trình độ học viên cũng như khung đào tạo của Bộ giáo dục, chương trình đạo tạo được chuẩn hóa WHO.

 

 

Nối tiếp chương trình, một mô hình nữa được giới thiệu trong hội thảo là mô hình nhà chờ đẻ ở Cao Bằng do bà Hoàng Thị Bằng đến từ Tổ chức Y tế thế giới và Th.s Trần Thị Thu Hà - RTCCD trình bày. Xuất phát từ mô hình 3 chậm: Các yếu tố ảnh hưởng đến tử vong mẹ trong quá trình sinh đẻ, nhà chờ đẻ cho sản phụ sẽ là một giải pháp chủ động hơn. Mô hình này yêu cầu có sẵn tất cả các thành tố, kết nối với hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em toàn diện và cộng đồng với sự hỗ trợ về chuyển tuyến, tinh thần. Tuy nhiên, bởi sự thiếu giám sát bộ ngành y tế cũng như quản lý nhà nước về hành chính, thiếu cơ sở vật chất và công tác truyền thông nên quá trình vận hành ở Bảo Lâm – Cao Bằng đã gặp rất nhiều trở ngại. Bà Hà cũng đưa ra những đề xuất thực tế về mô hình này trong tương lai đồng thời khẳng định tính thực thi của dự án trước những quan ngại của nhiều đại diện các tổ chức khác trong hội thảo như trách nhiệm trong tai biến sản khoa, chi phí vận hành, phân cấp quản lý, giám sát.

Kết thúc phần 1 với phần thảo luận về 3 mô hình, hội thảo lại tiếp tục với phần trình bày của đại diện từ Plan International: “Cải thiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho người dân tộc thiểu số ở 7 tỉnh.” Trước thực trạng tỉ lệ bệnh tật và tử vong của bà mẹ và trẻ em; sinh tại nhà và suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi cao, mô hình này tập trung vào việc giáo dục nhóm cha mẹ/sinh hoạt CLB sức khỏe thôn. Song song với việc thành lập và sinh hoạt hằng tháng CLB này, dự án lồng ghép chiến dịch truyền thông và các khóa tập huấn cho các bộ y tế, tình nguyện viên địa phương. Đến năm 2013, thông qua đánh giá mẫu tại Quảng Trị và Quảng Nam, mô hình này thu được kết quả khá tích cực dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách về khoảng cách địa lý, văn hóa, truyền thống. Cũng tổ chức các câu lạc bộ ở địa phương, Dự án Dinh dưỡng và sinh kế Ba Bể - Bắc Kạn đã có mức độ hứng thú tham gia khá cao. Theo bà Trần Thị Thu Hà (RTCCD), dự án tập trung vào việc chuyển đổi cách thức truyền thông tới người dân tộc thiểu số theo quy trình: Nghe – Nhìn – Hành động thông qua việc tạo cạnh tranh cộng đồng, thực hành tại nhà và cơ chế giám sát – khen thưởng.

 

 

Kết thúc hội thảo, bác sĩ Trần Tuấn (RTCCD) đã lần nữa nhìn nhận tổng quan các chính sách và mô hình chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số dựa trên các tiêu chí: sự gắn nối giữa đặc thù và tổng thể, hiệu quả, khả năng nhân rộng dự án. Những vấn đề đặt ra đối với sự tham gia kết nối của các tổ chức xã hội dân sự với nhà nước cũng đã cho thấy vai trò của các bên trong việc thực thi dự án và đi đến mục tiêu chung trong việc cải thiện dịch vụ sức khỏe cho người dân tộc thiểu số.

Hội thảo với những mô hình, dự án, chính sách chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số đã nhận được những đánh giá cao từ các đại biểu tham dự. Ghi nhận những thành quả bước đầu, những kinh nghiệm thực tiễn cũng như nhận định khó khăn, thách thức từ các mô hình sẽ giúp cho các tổ chức xã hội cùng nhà nước giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận tốt hơn các dịch vụ y tế trong thời gian tới./.

 

Hiền Phạm

 



Các tin mới hơn


Các tin khác