Điểm tin Giới & Tình dục số 3: Quyền Tình dục và Công bằng xã hội cho các nhóm thiểu số

Chủ Nhật, 15/01/2012
Điểm tin Giới & Tình dục số 3: Quyền Tình dục và Công bằng xã hội cho các nhóm thiểu số
Trung tâm Thông tin Tư liệu Giới, Tình dục và Sức khỏe xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Bản tin số 3 với tiêu đề “Quyền tình dục và công bằng xã hội cho các nhóm thiểu số”. Trong bản tin này chúng tôi giới thiệu các phân tích và bình luận về Quyền tình dục trong mối liên hệ đến Quyền con người và khung lý thuyết “tiếp cận dựa trên Quyền”. Trong khi các lý thuyết về quyền và cách tiếp cận dựa trên quyền được nhiều tổ chức và cá nhân sử dụng để thảo luận các vấn đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của các nhóm thiểu số, thì một số câu hỏi được đặt ra là: Quyền tình dục của các nhóm thiểu số đang được hiểu và áp dụng như thế nào – liệu có phải quyền tình dục luôn được bao gồm trong quyền con người hay không? Liệu đấu tranh cho quyền tình dục đã đủ để đạt được công bằng xã hội về tình dục cho các nhóm thiểu số hay chưa? Liệu các diễn ngôn về “tiếp cận dựa trên quyền” có mang đến kết quả không mong muốn nào không? Và chiến lược nào là hiệu quả để áp dụng các diễn ngôn này mà tránh được các kết quả tiêu cực ngoài mong muốn?

Trung tâm Thông tin Tư liệu Giới, Tình dục và Sức khỏe xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Bản tin số 3 với tiêu đề “Quyền tình dục và công bằng xã hội cho các nhóm thiểu số”. Trong bản tin này chúng tôi giới thiệu các phân tích và bình luận về Quyền tình dục trong mối liên hệ đến Quyền con người và khung lý thuyết “tiếp cận dựa trên Quyền”. Trong khi các lý thuyết về quyền và cách tiếp cận dựa trên quyền được nhiều tổ chức và cá nhân sử dụng để thảo luận các vấn đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của các nhóm thiểu số, thì một số câu hỏi được đặt ra là: Quyền tình dục của các nhóm thiểu số đang được hiểu và áp dụng như thế nào – liệu có phải quyền tình dục luôn được bao gồm trong quyền con người hay không? Liệu đấu tranh cho quyền tình dục đã đủ để đạt được công bằng xã hội về tình dục cho các nhóm thiểu số hay chưa? Liệu các diễn ngôn về “tiếp cận dựa trên quyền” có mang đến kết quả không mong muốn nào không? Và chiến lược nào là hiệu quả để áp dụng các diễn ngôn này mà tránh được các kết quả tiêu cực ngoài mong muốn?

Ở mục Điểm sách, độc giả sẽ được giới thiệu 2 quyển sách thú vị về quyền tình dục trong mối liên hệ tới quyền con người – bao gồm cách hiểu về quyền tình dục, các yếu tố ảnh hưởng tới cách hiểu về quyền tình dục và những hạn chế trong cách hiểu về quyền tình dục hiện nay. Một trong những luận điểm quan trọng là: khái niệm “tình dục” và “quyền tình dục” gây tranh cãi chính ở nơi “giao nhau” giữa đời sống riêng tư của từng cá nhân và giá trị chung của xã hội - giữa cơ thể “sinh học” và cơ thể “chính trị”. Khi đặc điểm tình dục của một cá nhân mâu thuẫn với các giá trị phổ biến về tình dục của xã hội thì ai hay quyền lực nào sẽ quyết định việc thừa nhận và thực thi “quyền tình dục” của cá nhân đó? Một người được công nhận là “công dân” trong một xã hội có đồng nghĩa với quyền công dân của họ được thừa nhận và được thực thi cả trong đời sống tình dục? Do những người bị kì thị trong tình dục thường không được thừa nhận trong xã hội, nên để đấu tranh cho quyền tình dục của họ thì cần phải xem xét lại các khái niệm về “quyền con người” trong mối liên hệ đến tình dục, và nhìn nhận quyền được tham gia và tôn trọng phẩm giá là các “quyền con người” cơ bản.
 
Trong phần Giới thiệu các Nghiên cứu và Can thiệp, độc giả sẽ được giới thiệu một số bài báo bàn luận về quyền tình dục của các nhóm tình dục đồng giới, lưỡng giới và chuyển giới (LGBT). Xu hướng tình dục vẫn còn đang là vấn đề tranh cãi ở Liên hợp quốc và chưa được đưa vào các văn bản nói về quyền con người. Năm 2007 đánh dấu một bước phát triển quan trọng về quyền tình dục của nhóm LGBT khi một nhóm các nhà hoạt động về quyền con người đưa ra tuyên bố về “Các nguyên tắc áp dụng quyền con người liên quan đến xu hướng tình dục và nhân dạng giới” (The Yogyakarta Principles). Ba trong số năm bài báo được giới thiệu sẽ thảo luận về việc các nguyên tắc này đang được áp dụng trên thực tế như thế nào và vì sao nó lại được hoan nghênh. Cũng trong phần này, chúng tôi xin giới thiệu một số chương trình can thiệp với nhóm LGBT do CCIHP đang thực hiện bao gồm nghiên cứu hành động về phòng chống bạo hành với MSM và chương trình triển lãm về kì thị và phân biệt đối xử với LGBT trong lịch sử và xã hội Việt Nam đương đại. 
 
Ở phần cuối bản tin, như thường lệ, sẽ là thông tin về các sự kiện trong nước và quốc tế sắp diễn ra và một số sách tham khảo liên quan đến chủ đề của bản tin – Quyền tình dục và công bằng xã hội cho các nhóm thiểu số.
 
 
Bạn đọc vui lòng xem nội dung chi tiết ‘Điểm tin Giới và Tình dục’ tiếng Việt và
tiếng Anh tại đây!
 
Ban biên tập rất mong tiếp tục nhận được ý kiến phản hồi của độc giả về bản tin cũng như những gợi ý về chủ đề, sách hay và thông tin về các chương trình dự án. 
 
 
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ:
 
Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP)
 
Số 48, ngách 251/8 Nguyễn Khang, Hà Nội
 
ĐT: 844- 3577 0261 Fax: 844 – 3577 0260
 
Email: gsh@ccihp.org,
  
Website: http://ccihp.org 
 
Trân trọng,
 
 
CCIHP 
 


Các tin mới hơn


Các tin khác