Triển lãm ảnh Nhìn - Picturing Autism: Tự kỷ qua lăng kính nghệ thuật

Thứ Hai, 28/03/2016
Triển lãm ảnh Nhìn - Picturing Autism: Tự kỷ qua lăng kính nghệ thuật
Ngày 26/3/2016, buổi tọa đàm và triển lãm ảnh trẻ tự kỷ của nhiếp ảnh gia Debbie Rasiel đã diễn ra tại MAM-Art Projects, tầng 5- Bảo tàng Phụ nữ (Hà Nội).

 

Trong ba năm qua, Debbie, một nhiếp ảnh gia người Mỹ, đã đến sáu nước để ghi lại những khoảnh khắc của trẻ tự kỷ và gia đình họ.

 

Phía sau những bức ảnh

Trong buổi tọa đàm tại Hà Nội, chị Debbie đã chia sẻ về hành trình sáng tạo của mình, đặc biệt là tại Việt Nam. Mặc dù có rào cản về ngôn ngữ, dự án của chị đã được các gia đình có trẻ tự kỷ tại Hà Nội, Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh nhiệt tình ủng hộ. Trong buổi tọa đàm, gia đình của một số trẻ tự kỷ đã chia sẻ những kỷ niệm xúc động khi hợp tác cùng chị Debbie.

 

Một người thân của Nguyễn H. Đăng, một trẻ tự kỷ ở Quảng Ninh, rất xúc động khi chị Debbie đã tới và thực hiện những bức ảnh về cháu. Vị khán giả lớn tuổi chia sẻ mọi trẻ em đều có quyền bình đẳng và trẻ tự kỷ cũng vậy. Các em cần phải được đi học, chăm sóc và yêu thương, thậm chí gấp nhiều lần hơn.  Người thân của Đăng chia sẻ thêm rằng nhà nước cần vào cuộc, hỗ trợ thêm bởi gia đình có trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, nuôi dạy các em.

 

Ảnh: Doãn Đức/Vietnamplus

 

Debbie cũng đồng ý với ý kiến này: “Tôi thật sự rất buồn khi chứng kiến quá nhiều trẻ em phải ở trong nhà và không có cơ hội được đi học. Đó là những đứa trẻ rất thông minh nhưng kỹ năng của các em vẫn chưa được phát triển. Rất nhiều em có tài năng, một số đã được phát triển, một số thì chưa. Tôi thấy vinh dự vì đã được gặp họ và tôi rất vui vì có cơ hội giới thiệu họ với các bạn”. Debbie cũng tiết lộ thêm vẫn nhớ Đăng và khen bé viết rất đẹp.

 

Chị Hạnh, mẹ của em Hạnh Chi, gợi ý Debbie nên tiếp tục đồng hành cùng các nhân vật, ghi lại những khó khăn trẻ tự kỷ gặp phải, nhất là trong giai đoạn dậy thì, để công chúng có thể hiểu hơn về cuộc sống của các bạn tự kỷ khi trưởng thành.

Ảnh: Doãn Đức/Vietnamplus

 

Luôn nghĩ đến con trước khi bấm máy

Nhiếp ảnh gia người Mỹ cho biết tại mỗi nước, chị nhấn mạnh vào một chủ đề tuỳ thuộc vào mức độ nhận thức của cộng đồng tại đó về tự kỷ. Tại Việt Nam, Debbie rất xúc động khi chứng kiến tình yêu thương và kết nối giữa các thành viên trong gia đình có trẻ tự kỷ, giữa các thế hệ.

 

Tuy nhiên, khi xã hội chưa nhìn nhận đúng và tích cực về tự kỷ, những nỗ lực chỉ từ phía gia đình sẽ chưa đủ để mang lại cơ hội cho các em hoà nhập và có tương lai tốt đẹp hơn.  Qua những bức ảnh của mình, chị Debbie muốn truyền tải thông điệp: trẻ tự kỷ là một phần của gia đình, của xã hội. Chúng ta cần chung tay giúp đỡ để trẻ tự kỷ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

 

Trên hành trình đã đi qua, dự án của chị Debbie đã gây được nhiều tiếng vang. Nhiếp ảnh gia này từng được nhắc tới trên các tờ báo danh tiếng như Huffington Post hay The Daily Mail. Tại Hà Nội, buổi tọa đàm và khai mạc triển lãm Nhìn|Picturing Autism của Debbie đã thu hút được sự quan tâm của hơn 20 cơ quan truyền thông và đông đảo công chúng.

 

Ảnh: Doãn Đức/Vietnamplus

Bí quyết của Debbie là luôn đồng cảm với các nhân vật. Trước khi chụp ảnh, Debbie luôn nghĩ tới con trai của mình, một người tự kỷ, và khẳng định sẽ không bấm máy nếu bức ảnh làm tổn thương nhân vật. Debbie chia sẻ:

Thực hiện dự án này đối với tôi là một việc gặp khá nhiều khó khăn. Với những gia đình tôi đến thăm, tôi đã dành phần nhiều thời gian để trò chuyện với họ hơn là thời gian để chụp ảnh. Tôi muốn họ cảm nhận rằng họ thực sự được chia sẻ, thấu hiểu chứ không phải là những đối tượng được tôi chụp ảnh”.

Bởi vậy, một trong những nguyên tắc làm việc của tôi đó là luôn luôn cho các gia đình xem tất cả những bức ảnh tôi chụp về họ. Nếu có những khoảnh khắc nào họ không muốn thì họ có thể nói với tôi và tôi sẽ xóa đi. Bởi vì tôi nghĩ vai trò của một người mẹ sẽ luôn đặt lên trước tư cách của một người nhiếp ảnh”.

 

Triển lãm Nhìn | Picturing Autism Vietnam được phối hợp tổ chức bởi Cục bảo trợ xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP), và Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam (VAN). Đây cũng là một hoạt động trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Việt Nam nhận thức Tự kỷ 2/4. Triển lãm sẽ được mở cửa miễn phí từ ngày 26/3 tới 9/4/2016 (từ 8h-17h mỗi ngày) tại MAM - Art Projects, tầng 5, bảo tàng Phụ nữ, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. 

 

Trần Khánh An



Các tin mới hơn


Các tin khác