MHealth- Một khởi đầu đầy hy vọng

Thứ Ba, 13/10/2020
MHealth- Một khởi đầu đầy hy vọng
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đến nay đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn cầu, đặc biệt là đối với việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ em. Với bối cảnh này, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe của bà mẹ mang thai và trẻ em nói riêng đang là mối quan tâm của các ban ngành y tế, các đơn vị, tổ chức nhà nước và tư nhân.

 

Trong bối cảnh nêu trên, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) hợp tác cùng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em – Bộ y tế đã đề xuất thực hiện chương trình “Thử nghiệm ứng dụng điện thoại MHealth đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cho người dân tộc thiểu số và người lao động nhập cư trong bối cảnh dịch Covid-19”.

 

Đề xuất được hỗ trợ tài chính và kĩ thuật bởi Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA). Chương trình nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục (SKSS-TD) liên tục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài với mục tiêu tổng thể là đến cuối năm 2020, 70% các cơ sở y tế được thí điểm có thể cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS-TD phù hợp thông qua ứng dụng điện thoại cho phụ nữ mang thai và trẻ em từ sơ sinh đến dưới 6 tuổi. Dự kiến chương trình can thiệp sẽ được triển khai tại các trạm y tế xã cho người dân tộc thiểu số và người lao động nhập cư tại  Bắc Ninh và Hòa Bình với đối tượng hưởng lợi tại hai địa bàn là 500 phụ nữ mang thai và 500 ông bố/ bà mẹ có con dưới 6 tuổi.

 

 

Vào ngày 9/10 vừa qua, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã có buổi họp mặt đầu tiên để thảo luận về các hoạt động dự kiến của chương trình, đồng thời, thảo luận về việc lựa chọn đối tượng, địa bàn thực hiện chương trình can thiệp tại Bắc Ninh. Tham dự cuộc họp có Bs. Nguyễn Bá Quý - phó giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh và các cán bộ thuộc văn phòng sở; Bs. Khổng Thục Chinh- phó giám đốc Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) Bắc Ninh và các cán bộ thuộc văn phòng CDC; Về phía CCIHP có sự tham gia của Bs.Hoàng Tú Anh, Bs. Phạm Vũ Thiên- Hai phó giám đốc đại diện cho Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số và hai cán bộ dự án thuộc CCIHP cũng tham dự cuộc họp này.

 

Cuộc họp đã tập trung thảo luận những khó khăn, thách thức trong việc lựa chọn địa bàn và đối tượng tham gia dự án, đồng thời, đưa ra các giải pháp khắc phục những khó khăn đặt ra. Theo kế hoạch họp bàn, dự kiến sẽ có 250 phụ nữ có thai và 250 ông bố/bà mẹ nhập cư có con dưới 6 tuổi tại Bắc Ninh sẽ là đối tượng hưởng lợi chính của chương trình này. Sau cuộc họp, hai bên đã thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các hoạt động của dự án tại Bắc Ninh để thực hiện thành công chương trình can thiệp thí điểm tại địa bàn tỉnh.

 

 

Dự kiến sắp tới, CCIHP sẽ có cuộc họp bàn với Sở Y tế tỉnh Hòa Bình để thảo luận các nội dung tương tự như trên.

 

Một khởi đầu thành công và đầy hy vọng. CCIHP và các đối tác có liên quan tin tưởng và mong đợi rằng, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên sẽ là tiền đề quan trọng để triển khai thành công chương trình MHealth, đồng thời, mở ra con đường tươi sáng cho việc nhân rộng chương trình này trên toàn quốc.

 

Lan Anh

 

 

Các mục tiêu cụ thể của chương trình MHealth:

1. Lựa chọn địa bàn thực hiện chương trình can thiệp tại Bắc Ninh và Hòa Bình

2. Thiết kế và thực hiện can thiệp thí điểm về cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-TD từ xa trong và sau dịch Covid-19 tại một số địa phương được lựa chọn.

3. Cung cấp báo cáo cuối kỳ bao gồm các bài học kinh nghiệm, các thực hành tốt nhất từ can thiệp thử nghiệm và bản hướng dẫn hoạt động sẽ được sử dụng trong giai đoạn mở rộng can thiệp.

 



Các tin mới hơn


Các tin khác