Đối thoại chính sách: Tiếng nói từ thanh niên công nhân
Chủ Nhật, 02/11/2014* Đối thoại chính sách, pháp luật về SKSS cho TTN do TW Đoàn, Ủy ban quốc gia về Thanh niên và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức ngày 24-9, tại Hà Nội. Tham dự Đối thoại có ông Nguyễn Phi Long, Bí thư TW Đoàn, ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TTN và Nhi đồng của Quốc Hội; ông Vũ Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên TW; bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Sức khỏe, Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam và đại diện đến từ nhiều bộ ban ngành.
“Thanh niên trong độ tuổi lao động hiện chiếm một lực lượng lớn trong dân số, nhưng việc tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục (SKSSTD) còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Vậy các bộ ban ngành có giải pháp gì để người lao động trẻ được tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSSTD được tốt hơn?” Đinh Quang Trường, công nhân Cty Nhôm Đô Thành, Gia Lâm, Hà Nội đặt câu hỏi đầu tiên dành cho đại diện các bộ, ban ngành tại buổi Đối thoại.
Khó trong tiếp cận thông tin, dịch vụ
Các bài trình bày và ý kiến của thanh thiếu niên (TTN) tham gia Đối thoại chỉ ra nguyên nhân của tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai ngoài ý muốn, viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạo lực và lạm dụng tình dục nhiều trong giới trẻ. Bởi ngay từ khi còn là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, TTN Việt Nam chưa được giáo dục toàn diện về SKSSTD để có thể tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mình. Với kiến thức nền về SKSSTD bằng không ấy, nhiều thanh niên rời quê ra thành phố tìm việc, điều kiện sống và làm việc vốn khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian và áp lực, nên khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc SSKSTD càng hạn chế. Vì thế, việc thanh niên công nhân (TNCN) đối mặt với các nguy cơ trên cũng là điều dễ hiểu.
Tình huống kịch thể hiện khó khăn của TTN khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSSTD
(ảnh Dương Nguyên)
Nhà nước, Chính Phủ cũng đã có một số chính sách chăm sóc SKSSTD cho TTN. Nhưng chính sách lại chung chung, không tính đến những đặc điểm riêng của các nhóm đặc thù như TNCN, đặc biệt là TNCN di cư. Lợi dụng điểm này, các dịch vụ tư không đảm bảo chất lượng hoặc lừa bịp có cơ hội phát triển.
Bạn Hoài Xuân, cán bộ Đoàn, phụ trách công tác đoàn cho TNCN tại các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cho biết: “khu vực các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, phòng khám tư nhân (khám chui không giấy phép) hoạt động rất nhiều. Đặc biệt là hệ thống phòng khám về SKSS của Trung Quốc. Trong khi các phòng khám công chỉ hoạt động trong giờ hành chính thì các phòng khám tư này còn phục vụ cả ngoài giờ làm việc, 23 giờ đêm công nhân vẫn được tư vấn. Vẻ bề ngoài, họ rất tận tình và thân thiện với TNCN, nhưng thực tế các phòng khám này lại cung cấp dịch vụ lừa đảo, có thể khám miễn phí nhưng phí điều trị lại cao. Họ phóng đại các bệnh công nhân gặp phải và yêu cầu phải theo quá trình điều trị tới cả chục triệu đồng. Họ dọa nếu không theo là vô sinh. Vì lo lắng nên nhiều công nhân phải chấp nhận vay nóng với lãi suất rất cao để chi trả cho việc chữa trị”.
Đại diện các bộ, ban ngành tham gia đối thoại (ảnh: Dương Nguyên)
Trước bức xúc này của người lao động, Bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe, Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) khẳng định: “đây là nhiệm vụ chính của Bộ Y tế, Sở Y tế, các địa phương quản lý các phòng khám này”. Bà Hồng đề nghị Đoàn Thanh niên gửi công văn lên Sở Y tế, Bộ Y tế, nêu đích danh các cơ sở khám bệnh vi phạm, để Bộ Y tế chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra, xử lý các cơ sở này.
Rất mừng là bà Hồng đã chia sẻ với người lao động trẻ và thể hiện quyết tâm khắc phục tình trạng bạn Hoài Xuân đã nêu. Tuy nhiên, đó là những công việc mang tính “sự vụ” ở một khu vực cụ thể. Nhưng giải pháp căn cơ, bền vững là gì? Câu hỏi mà Quang Trường đặt ra ban đầu vẫn còn chưa có lời giải đáp.
Những giải pháp bền vững
Thông điệp TTN tham gia đối thoại gửi đến các đại biểu (ảnh: Dương Nguyên)
Ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Trung ương Đoàn chỉ rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc SKSSTD cho TTN: “SKSSTD không chỉ là mối quan tâm của TTN mà còn là của toàn xã hội, vì nó quyết định đến chất lượng dân số tương lai của nước nhà, quyết định sự phát triển của đất nước”. Với ý nghĩa đó, cần có phải có giải pháp toàn diện, bền vững và phù hợp với TTN, tăng cường được khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ của các nhóm TTN đặc thù. Để làm được điều này, đòi hỏi việc chăm sóc SKSSTD cho TTN, trong đó có TNCN phải có sự chung tay của nhiều bộ ban ngành và phải được thể chế hóa dưới các hình thức văn bản pháp luật. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan ở các cấp và các nhà máy mới có cơ sở để triển khai, thực hiện, đánh giá và giám sát nhằm đảm bảo các hoạt động chăm sóc SKSSTD dành cho TTN nói chung và TNCN được hiện thực hóa trong cuộc sống. Đây cũng là mục đích các khuyến nghị Nhịp sống trẻ đề xuất và gửi đến toàn thể những người tham gia qua chiến dịch: Ký tên ủng hộ việc ban hành chính sách chăm sóc SKSSTD cho TNCN (Viết tắt là Sign for rights).
Ông Arthur Erken ghi ý kiến tại bàn ký tên ủng hộ chính sách chăm sóc SKSSTD cho TNCN
(ảnh: Thanh Hoa)
Sign for rights đã được khởi động đúng ngày thực hiện đối thoại và những người chắp bút đầu tiên ký tên ủng hộ cho TNCN cũng chính là thành viên tham gia đối thoại. Chiến dịch thu hút 88 chữ ký và ý kiến/ khoảng 100 người tham gia. Ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam viết: “Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc cung cấp thông tin và dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản cho thanh niên. Thanh niên xứng đáng được nhận sự quan tâm và tôn trọng của chúng ta” .
Bà Ngô Thị Thu Hà, phó giám đốc trung tâm CEPEW ghi lại: “Chăm sóc SKSSTD cho TNCN không chỉ dành cho bản thân họ mà còn là đầu tư cho sự phát triển của các doanh nghiệp, cho sự tăng trưởng của quốc gia. Các bên liên quan gồm nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cần nhận lãnh trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và thực thi chính sách về chăm sóc SKSSTD một cách hiệu quả vì thế hệ hiện tại và tương lai”.
Bác sỹ Mai Xuân Phương ghi ý kiến tại bàn ký tên ủng hộ chính sách chăm sóc SKSSTD cho TNCN
(ảnh: Thanh Hoa)
BS Mai Xuân Phương, phó vụ trưởng Vụ Truyền thông, giáo dục, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ ngắn gọn: “Tôi hoàn toàn đồng ý với những khuyến nghị và mong đợi của các bạn”
Bạn Xa Tấn Chương, đại sứ Du lịch trẻ TP HCM bày tỏ: “Hy vọng sẽ có chính sách tích cực, kịp thời để TNCN tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ chăm sóc SKSSTD”.
Điều mà Xa Tấn Chương và gần 90 đại biểu mong đợi khi ký tên trong chiến dịch Sign for rights cũng chính là điều Nhịp sống trẻ, cùng TNCN mong muốn có được trong một tương lai gần.
P. H (CCIHP)
Các tin mới hơn
- Quyền chăm sóc SKSSTD trong Luật thanh niên sửa đổi Thứ Năm, 25/12/2014
Các tin khác
- Tình dục: chuyện không của riêng ai - Số 15 Thứ Sáu, 20/06/2014
- Dự án tăng cường Quyền và SKSS-TD cho thanh niên công nhân Thứ Hai, 24/12/2012
- Tuyển tình nguyện dự án Thúc đẩy quyền SKSSTD cho thanh niên công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội Chủ Nhật, 11/11/2012
- Tăng cường nhận thức về Bình đẳng giới, quyền tình dục và sức khỏe sinh sản cho thanh niên công nhân Thứ Bẩy, 07/01/2012
- Thanh niên công nhân với Bình đẳng Giới, quyền Tình dục và Sức khỏe sinh sản Thứ Tư, 14/12/2011