CCIHP tham gia tổ chức tọa đàm: "Lên tiếng giảm kỳ thị"

Thứ Sáu, 09/12/2011
Để kỉ niệm ngày Thế giới chống kì thị với người đồng tính, toạ đàm “Lên tiếng để giảm kì thị” do Tổ chức Liên hiệp quốc tại Việt Nam, Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kì (PEPFAR)- Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Sức khoẻ gia đình quốc tế (FHI), Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và Trung tâm sáng kiến sức khoẻ và dân số (CCIHP) phối hợp tổ chức đã diễn ra vào ngày 17 tháng 5 tại toà nhà Du lịch, số 18 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.


Để kỉ niệm ngày Thế giới chống kì thị với người đồng tính, toạ đàm “Lên tiếng để giảm kì thị” do Tổ chức Liên hiệp quốc tại Việt Nam, Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kì (PEPFAR)- Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Sức khoẻ gia đình quốc tế (FHI), Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và Trung tâm sáng kiến sức khoẻ và dân số (CCIHP) phối hợp tổ chức đã diễn ra vào ngày 17 tháng 5 tại toà nhà Du lịch, số 18 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức về sự kì thị, phân biệt đối xử và bạo hành mà những người đồng tính và chuyển giới ở Việt Nam đang phải đối mặt.
 
Thực trạng “Bạo hành giới đối với MSM tại Việt Nam”
 
Là một trong những cơ quan đứng ra tổ chức, CCIHP đã trình bày nghiên cứu “Bạo hành đối với nam giới đồng tính (MSM) tại Việt Nam”, nghiên cứu được tài trợ bởi tổ chức UNAIDS nằm trong dự án “Phòng chống bạo lực đối với MSM”. Nghiên cứu trên đã thu hút được rất nhiều khán giả tham dự buổi toạ đàm quan tâm và phản hồi ý kiến.
 
Trong buổi toạ đàm, chị Đinh Nhung, báo cáo viên của CCIHP đã công bố những con số biết nói về tỷ lệ % các hình thức bạo hành trong số 17 bạn MSM tham gia nghiên cứu. Theo đó thì bạo hành tinh thần chiếm tỉ lệ cao nhất là 100%, bạo hành thể chất chiếm 64,71 %, bạo hành kinh tế chiếm 41,18% và bạo hành tình dục là 29,41 %. Tuy chỉ tiến hành nghiên cứu trên một nhóm các bạn MSM ở địa bàn Hà Nội và Hồ Chí Minh nhưng những phát hiện trên cũng cho thấy rằng các bạn MSM đang phải gánh chịu hậu quả từ việc thiếu hiểu biết, kì thị và phân biệt đối xử của người thân, bạn bè và xã hội dành cho mình.
 
Một điều đáng chú ý và gây bất ngờ cho khá nhiều người tham dự buổi toạ đàm ngay hôm ấy là nơi xảy ra bạo hành phổ biến và thường xuyên nhất đối với các MSM lại chính là gia đình của họ. Điều này được lí giải vì cha mẹ của MSM không chấp nhận việc con mình có những hành vi, cử chỉ khác với những người xung quanh mình, sợ phải nghe những lời xì xào bàn tán của hàng xóm khi con mình không phải là người dị tính… Tương ứng với địa điểm bạo hành là gia đình thì những thành viên trong gia đình, họ hành chính là những người gây ra bạo hành phổ biến nhất đối với các MSM.

/

Làm thế nào để người đồng tính không còn bị kì thị?
 
Khi mẹ về thăm tôi, nghe hàng xóm méc lại rằng ‘Con bà dạo này giống con gái quá, không khéo nó thành bê đê. Rồi bà mất giống đứa con trai út nha’. Mẹ tôi không nói gì hết rồi lặng người đi thẳng một mạch vào nhà và cầm cây trên tay lao vào đánh tôi rất nhiều. Tôi nhớ lần đó mẹ còn kêu chị lấy nước mắm sát vào những chỗ chảy máu trên tay tôi để cho đau mà “chừa cái tội học đòi làm con gái”. Tôi khóc nhiều lắm và mẹ cũng thế, mẹ than trách bản thân “biết vậy hồi đó sao không đẻ trứng gà trứng vịt để có tiền mà xài còn hơn đẻ ra con người như mày, trai không ra trai, gái thì chẳng phải gái” (Tâm sự của một bạn, sinh năm 1986 tại Thành phố Hồ Chí Minh)
 
Chính vì phải chịu những sự kì thị, phân biệt đối xử như vậy nên hầu hết các bạn MSM đều bị trầm cảm, stress, có lối sống khép kín và thậm chí là nghỉ học giữa chừng hoặc bị ảnh hưởng đến công việc, học tập (bị lưu ban, buộc chuyển trường). Một số khác thì rơi vào các tệ nạn xã hội như móc túi, lừa đảo và có hành vi tình dục không an toàn. Cá biệt còn cố một số bạn phải bỏ nhà đi lang thang, hành nghề mại dâm và thậm chí là tự tử nhiều lần và tự hành xác mình.
 
Đau đáu một nỗi niềm 
 
Nhắc đến một vấn đề mang tính thời sự, cấp bách, bài trình bày của CCIHP nhận được rất nhiều sự quan tâm. Một số đại biểu băn khoăn về tính đại diện của nghiên cứu vì con số 17 người tham gia quá nhỏ bé so với cộng đồng những người đồng tính nam, chuyển giới tính đến hàng ngàn người ở Việt Nam và nghiên cứu chỉ diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng không đại diện cho những cộng đồng này. 
 
Câu hỏi này đã được diễn giả lý giải rằng: “Mục đích của nghiên cứu này là nghiên cứu hành động và ghi lại những câu chuyện bạo hành như là những bằng chứng để vận động chính sách và sự thay đổi của xã hội chứ không phải là điều tra quốc gia về bạo hành đối với nhóm MSM. Và đây là những phát hiện ban đầu từ nghiên cứu sâu về những trải nghiệm liên quan đến bạo hành của MSM và những con số được trình bày để độc giả có thể thấy tỷ lệ trong số các đáp viên tham gia nghiên cứu và dễ hình dung”.
 
Các nghiên cứu viên của ISEE chia sẻ nhận định “đây là nghiên cứu nhỏ nhưng rất quan trọng và cũng khẳng định một kết quả điều tra của ISEE  trong đó cũng cho thấy những người tham gia cho biết họ bị kỳ thị và phân biệt đối xử phần lớn trong gia đình”.
 
 Chia sẻ bên lề tọa đàm, chị Cariline Francis (FHI) cho biết, nhiều đoạn trích dẫn khiến chị rơi nước mắt và chị mong chờ ngày cuốn sách “Những câu chuyện chưa được kể” ra mắt
 
Có thể nói tuy Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế vào ngày 10/2/1990 và Quyền trẻ em được giáo dục trong nhà trường nhưng 13/17 người tham gia nghiên cứu cho biết họ đã từng bị bạo hành bởi gia đình, thầy cô, bạn bè từ thuở nhỏ đến trước tuổi 18. Thêm vào đó, giáo dục ở nhà trường không nhìn nhận việc bảo vệ các em thuộc nhóm LGBT (những người đồng giới nữ, đồng giới nam, lưỡng giới và chuyển giới) vì những biểu hiện khác biệt về giới của các em. Đồng thời, nhiều thầy cô cũng không chấp nhận tình cảm của các em với những người bạn cùng giới và đã bạo hành tinh thần các em, thậm chí biến các em trở thành đối tượng bị đánh đập, xa lánh, khiến các em phải nghỉ học, tự tử mà không biết mình đang vi phạm quyền trẻ em. Điều đáng nói nữa là chưa có trường hợp nào mà người gây ra bạo hành với trẻ em vì xu hướng tình dục hay biểu hiện giới bị xử lí.
 
Với mong muốn bảo vệ quyền lợi và chống kì thị, phân biệt đối xử với các MSM, CCIHP đã đưa ra những khuyến nghị rất đáng quan tâm như đẩy mạnh các chương trình truyền thông sâu rộng để những người dân ở cộng đồng, thành viên gia đình, lãnh đạo địa phương, công an, những người làm công tác giáo dục và chính bản thân MSM nhìn nhận và rõ hơn về vấn đề bạo hành với MSM cũng như các hậu quả của nó; Cần đưa MSM vào các chương trình phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ trẻ em như là một nhóm đối tượng; Lồng ghép các chương trình về HIV với MSM và phòng chống bạo lực giới…
 
Hy vọng rằng sau buổi toạ đàm này, tiếng nói của CCIHP trong buổi toạ đàm sẽ góp phần giảm kì thị đối với cộng đồng MSM, đảm bảo quyền lợi của những người nam quan hệ tình dục đồng giới được tôn trọng một cách đầy đủ và số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng này sẽ giảm đáng kể.
 
Việt Loan


Các tin mới hơn