Giáo dục tình dục toàn diện: 7 yếu tố quan trọng
Thứ Ba, 27/06/2017
Giáo Dục Tình Dục Toàn Diện (GDTDTD) đề cao bảy yếu tố cơ bản: Giới, Sức khỏe Sinh Sản, Sức Khỏe Tình Dục, HIV, Quyền tình dục của công dân, khoái cảm, bạo lực tình dục, sự đa dạng và các mối quan hệ. GDTDTD tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm thanh niên, từ đó cho phép họ tiếp cận những quyền sinh sản và tình dục của mình. Cách tiếp cận của GDTDTD là tôn trọng tính dục của người trẻ cũng như trao cho họ thái độ tích cực đối với tình dục thay vì đề cao sự kiêng khem, sợ hãi và nhìn nhận người trẻ như những cá nhân không có ham muốn tình dục. GDTDTD gần gũi với thực tế, dựa trên đời sống của người trẻ, cho phép họ học hỏi và rèn luyện các kỹ năng sống như kỹ năng đàm phán, giao tiếp trong các mối quan hệ, kỹ năng đưa ra quyết định, vv… Chương trình cũng dựa trên quan điểm người trẻ có quyền tự đưa ra quyết định dựa trên những kiến thức được cung cấp. Sự đồng thuận, dựa trên các quyền và nhu cầu, sẽ là nên tảng cho việc đưa ra quyết định của họ. Chương trình GDTD được phát triển và truyền tải dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử và đề cao những giá trị của sự bình đẳng. GDTDTD hướng tới tất cả người trẻ; không phân biệt tuổi tác, tình trạng hôn nhân, xu hướng tính dục, giới tính sinh học, tôn giáo, xuất thân, người khuyết tật, tình trạng sức khỏe, vv…Việc thiết kế và truyền tải chương trình GDTDTD cần nhìn nhận sự đa dạng của người trẻ cũng như bối cảnh đời sống với những chuẩn mực văn hóa và tập quán nhất định mà đôi khi có thể cản trở việc tiếp cận kiến thức và thông tin của họ. Thêm vào đó, chương trình GDTDTD cần kết hợp cùng các dịch vụ Sức Khỏe Sinh Sản và Sức Khỏe Tình Dục thân thiện với thanh niên thông qua việc cung cấp thông tin, cập nhật về các dịch vụ cũng như hệ thống địa chỉ liên lạc đáng tin cậy. GDTDTD phải truyền tải cho người trẻ những kiến thức chính xác về các quyền sinh sản và tình dục, phát triển kĩ năng sống, tư duy phản biện, khả năng đưa ra quyết định, sự đồng cảm, vv… cũng như đề cao những thái độ và giá trị tích cực như sự cởi mở, tôn trọng bản thân và mọi người xung quanh. Thêm vào đó, GDTDTD cần dựa trên tiền đề tình dục là một khía tự nhiên, đa chiều và có liên quan chặt chẽ đến giới cũng như sự đa dạng của đời sống con người.
1/ Giới: Yếu tố này tập trung vào sự khác biệt giữa giới, tình dục, vai trò giới và những giá trị biểu trưng gồm các chuẩn mực về sự nam tính, nữ tính, về giới và các giá trị khác trong xã hội. Yếu tố giới ảnh hưởng sâu sắc tới mọi mặt của tình dục. Nó được định nghĩa là những đặc điểm hành vi và vai trò mà mỗi nền văn hóa xem là thuộc về nam hay nữ. Yếu tố giới biến đổi theo văn hóa của mỗi quốc gia hoặc khu vực, nhưng điểm chung là nó ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của xã hội từ khi con người được sinh ra. Giới tác động đến mọi mặt đời sống từ cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá bản thân cho đến việc chúng ta học cách giao tiếp và tương tác với những người xung quanh; đặc biệt, nó định hình cách chúng ta thể hiện bản thân và trải nghiệm của chúng ta đối với tình dục, cách chúng ta xây dựng các mối quan hệ cũng như cảm nhận của chúng ta về việc cho và nhận khoái cảm.
Thêm vào đó, giới và nhân quyền là hai yếu tố đi liền với nhau. Bất bình đẳng giới hạn chế khả năng tiếp cận thông tin và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái, từ đó tước đoạt quyền điều khiển và quyết định những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục của họ. Sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới đồng thời củng cố và duy trì những hành vi bạo lực tình dục, hôn nhân ép buộc và những tập quán nguy hại như cắt bỏ cơ quan sinh dục nữ. Một khía cạnh khác của việc thảo luận về giới là sức mạnh và sự trao quyền, sự áp bức và tự áp bức (khi những nạn nhân của sự áp bức và phân biệt đối xử dần tin tưởng vào những định kiến và xúc phạm mà xã hội dành cho họ). Tuy vậy, những định kiến về vai trò giới có thể bị thách thức, loại bỏ và thay đổi. GDTDTD có thể và cần phải tham gia thay đổi những sự bất công này.
2/ Sức Khỏe Tình Dục, Sức Khỏe Sinh Sản và HIV: Bao gồm tính dục, vòng đời, cơ chế inh học và các khái niệm về trinh tiết, sự kiêng khem, chung thủy, quá trình sinh sản cũng như cách sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai (bao gồm thuốc tránh thai khẩn cấp) và phá thai (an toàn và không an toàn). Đồng thời, nó cũng dạy về những bệnh lây qua đường quan hệ tình dục (STIs) và HIV, bao gồm cách lây lan và triệu chứng, dấu hiệu nhận biết, vv… Trong hầu hết các nền văn hóa, người ta thường nói về các phần của cơ thể bằng lối nói trại, dẫn tới việc rất nhiều trẻ em và trẻ vị thành niên thiếu kiến thức, hiểu sai lệch hoặc sợ hãi những thay đổi của cơ thể họ. Đặc biệt các bạn nữ dễ tiếp thu những thông điệp sai lầm rằng bộ phận sinh dục của mình là dơ bẩn và không nên bị nhìn hay chạm vào, dẫn tới những cảm xúc ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sự phát triển của một đời sống tình dục thỏa mãn và an toàn như tội lỗi, xấu hổ, vv… Tất cả mọi người đều có quyền hiểu về cơ thể họ, đặc biệt là nếu người trẻ càng có nhiều hiểu biết về sức khỏe sinh sản của mình, họ sẽ càng có khả năng đưa ra quyết định đúng đắn khi nào họ muốn mang thai, sinh con cũng như đạt được thai kì khỏe mạnh. Ở nhiều quốc gia, tỉ lệ tử vong sau sinh vẫn đang cao đến đáng báo động, đặc biệt là ở nhóm thanh niên và vị thành niên. GDTDTD cần đảm bảo sự hiểu biết của người trẻ về cách làm sao để phòng tránh những hậu quả ngoài ý muốn. Còn quá nhiều rào cản trong việc sử dụng các biện pháp tránh thai đối với thanh niên, vị thành niên; ngoài ra nhóm này không chỉ cần được giáo dục về thuốc tránh thai mà còn cần được cung cấp các kỹ năng về đối thoại và đàm phán. Tương tự, việc được truyền tải các thông tin về phá thai, đồng thời hiểu về nhu cầu và tầm quan trọng của phá thai an toàn đối với phụ nữ và các bạn nữ thanh niên, nữ vị thành niên là hết sức cần thiết. Quyền được đưa ra quyết định với chính cơ thể mình của họ cần được tôn trọng và bảo vệ.
Thanh niên là nhóm có rủi ro đặc biệt cao với những bệnh lây lan qua đường tình dục và HIV vì rất nhiều lý do. Có thể họ thiếu các hiểu biết và kỹ năng cần thiết để đưa ra và thực hiện các quyết định đúng đắn; có thể họ không ý thức được việc mình dễ bị mắc các bệnh đến đâu dẫn tới những hành vi quan hệ liều lĩnh, vv… Xét trên mặt sinh học, nữ giới dễ mắc các bệnh lây lan qua đường tình dục và HIV hơn nam giới, đặc biệt là nữ giới trẻ tuổi do cổ tử cung chưa phát triển hoàn thiện. Các bạn trẻ cần được trang bị những thông tin đầy đủ và chính xác về bệnh lây lan quan đường tình dục và HIV cũng như những kỹ năng bảo vệ bản thân ở cả thời điểm được dạy và trong tương lai.
3/ Quyền tình dục và quyền tình dục công dân: Liên quan tới những hiểu biết về nhân quyền quốc tế và chính sách quốc gia, luật pháp và các hệ thống liên quan tới tình dục của con người, bao gồm tiếp cận dựa trên quyền đối với sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cũng như những rào cản, các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ và cách tiếp cận chúng, tính đa dạng của tình dục và văn hóa. Sức khỏe thể chất và trạng thái tinh thần của con người trong những vấn đề liên quan đến tình dục được thể hiện qua khả năng thực hiện nhân quyền của họ (Ví dụ: quyền được hưởng giáo dục, quyền tự do ngôn luận). Những quyền này bảo vệ cơ thể, tính dục và sức khỏe của các cá nhân. Quyền tình dục dựa trên những cam kết và hiệp ước quốc tế, bao gồm:
- Quyền lựa chọn bạn tình và xây dựng các mối quan hệ dựa trên sự lựa chọn và đồng thuận
- Quyền nói có hoặc không với tình dục
- Quyền thể hiện tình dục, bao gồm quyền được tìm kiếm và tận hưởng khoái cảm dựa trên nguyên tắc đồng thuận
- Quyền nhân thân, không phải chịu bất kỳ một hình thức bạo lực và lạm dụng tình dục nào
- Quyền được tiếp cận với những kiến thức chính xác, đầy đủ; những dịch vụ hỗ trợ và giáo dục.
- Quyền được bảo vệ bản thân khỏi mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây qua đường tình dục và HIV.
Chỉ khi con người được thực hiện các quyền trên họ mới có đầy đủ khả năng lựa chọn có quan hệ tình dục hay không, đàm phán về việc sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai và tình kiếm các dịch vụ hỗ trợ dựa trên nhu cầu. Việc đề cao các quyền sinh sản và quyền tình dục ngoài ra còn khuyến khích người trẻ đưa ra những quyết định có trách nhiệm hơn để bảo vệ và không vi phạm quyền của người khác. Sự hiểu biết về các quyền đồng thời tạo cho người trẻ sự hiện diện dân sự và khả năng đóng góp cho cộng đồng, tham gia vào các hoạt động trong khu vực công mà không phân biệt giới tính sinh học hay xu hướng tính dục.
4/ Khoái cảm: Bao gồm việc cung cấp thái độ và cái nhìn tích cực với tình dục của thanh niên và đảm bảo các bạn trẻ hiểu rõ về việc tình dục là sự thỏa mãn và không thể bị ép buộc, cơ chế sinh học cũng như khía cạnh cảm xúc đằng sau khoái cảm của con người, mối quan hệ giữa tình dục và các vấn đề về giới, vv… Tình dục về cơ bản đi liền với khoái cảm. Tuy rằng có thể có rất nhiều bạn trẻ đã tiếp nhận những thông điệp trái chiều về tình dục trong suốt quá trình trưởng thành, cái họ muốn và cần là những câu trả lời rõ ràng và thẳng thắn. Đặc biệt đối với nữ giới, khoái cản trong tình dục không đến một cách tự động. Mộng tưởng và thực tế thường khác nhau rất xa, dẫn tới những cảm xúc tiêu cực như thất vọng hay hoang mang, lo sợ. Giáo dục về những phương thức khác nhau để trải nghiệm khoái cảm, sự tương đồng và khác biệt về khoái cảm ở nam và nữ kết hợp khuyến khích trao đổi, đối thoại giữa các bạn và bạn tình có khả năng nâng cao khoái cảm trong tình dục cho cả hai bên. Tại nhiều quốc gia, những định nghĩa về quan hệ tình dục vẫn còn đang tập trung quá nhiều vào giao hợp. Việc khuyến khích người trẻ khám phá những phương thức tạo ra khoái cảm và những cách quan hệ tình dục khác nhau sẽ không chỉ trao cho người họ những hình thức thay thế giao hợp mà còn giảm rủi ro gặp phải những vấn đề tình dục sau này như rối loạn cương dương.
5/ Bạo lực: Bao gồm những hình thức bạo lực tình dục với nam và nữ giới cũng như cách chúng được hình thành và duy trì, cụ thể là bạo lực trên cơ sở giới, tình dục không đồng thuận, quyền, luật pháp và các hình thức hỗ trợ nạn nhân, vv… Tình dục cần là một trải nghiệm mang lại khoái cảm và sự thoải mái cho cả hai bên, góp phần xây dựng và phát triển sự kết nối trong một mối quan hệ. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là ở hầu hết các quốc gia và các nền văn hóa, quấy rối, lạm dụng, bạo lực tình dục cũng như những tập tục nguy hiểm vẫn tồn tại, được duy trì và thậm chí là được ủng hộ. Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) ước tính cứ ba người phụ nữ trên thế giới thì có một người đã, đang, hoặc sẽ trải nghiệm bạo lực tình dục. Người trẻ cần được trang bị khả năng nhận diện bạo hành, bạo lực và nơi tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ. Họ cần hiểu rõ tác động của rượu và các chất kích thích lên lý trí, làm giảm khả năng đưa ra quyết định đúng đắn, dẫn tới tình dục không đồng thuận, tình dục do ép buộc hoặc quan hệ tình dục một cách bạo lực. Họ cũng cần hiểu về những tác động tâm sinh lý của những tập tục nguy hại như cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ và nguồn gốc từ mục đích điều khiển, áp bức phụ nữ qua việc điều khiển tình dục của họ. Để giúp chấm dứt bạo lực tình dục và những tập tục nguy hiểm này, chương trình GDTDTD cần đề cao quyền danh dự và bình đẳng của con người, quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ chính xác cũng như quyền điều khiển những khía cạnh tình dục của con người với chính bản thân mình, cơ thể mình.
6/ Sự đa dạng: Bao gồm việc nhìn nhận và thấu hiểu sự đa dạng của cuộc sống con người (Về: đức tin, văn hóa, dân tộc, tình trạng sức khỏe, xu hướng tính dục, vv…) và truyền đạt một cái nhìn tích cực về sự đa dạng đó. Đầu tiên, các bạn trẻ cần hiểu rằng chúng ta đều là con người. Tất cả chúng ta đều có những điểm tương đồng cũng như khác biệt khi đem ra so sánh với nhau trong môi trường gia đình, trường học, nơi làm việc hay trong các cộng đồng. Ví dụ, có sự khác biệt rất lớn trong ngoại hình và cách nghĩ, trong khả năng và trong xu hướng tính dục của chúng ta. Những sự khác biệt này tồn tại khắp mọi nơi; và những sự khác biệt về bản dạng giới, về ham muốn, hành vi tình dục của con người được gọi là sự đa dạng tình dục. Những người dị tính, đồng tính, song tính và chuyển giới có thể được tìm thấy trong các gia đình, cộng đồng, tôn giáo và nghề nghiệp khác nhau. Mọi người đều có xu hướng tính dục của riêng mình. Ví dụ: chúng ta có thể bị thu hút và có ham muốn tình dục, có tình cảm với nam giới, nữ giới, hoặc cả hai. Sẽ có rất nhiều bạn trẻ trải nghiệm cảm giác bị thu hút bởi những người bạn, người quen hoặc người nổi tiếng có cùng giới tính với mình. Họ cần hiểu rằng những cảm giác và những ý nghĩ đó là một phần tự nhiên của con người và không nhất thiết có nghĩa họ là người đồng tính; thêm vào đó các xu hướng tính dục ngoài dị tính cũng không phải sự lệch lạc hay bệnh tật. Tuy vậy nhưng ở rất nhiều quốc gia, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới vẫn là nguyên nhân khiến họ phải giấu giếm xu hướng tính dục của mình khỏi cộng đồng.
7/ Các mối quan hệ: Bao gồm nhiều kiểu mối quan hệ khác nhau (Ví dụ: gia đình, bạn bè, tình cảm, vv…) tồn tại trong đời sống con người cũng như những khía cạnh tình cảm, cảm xúc, sự gần gũi thân thể, tương quan vị thế, giao tiếp, sự tin tưởng và chân thành, vv… trong các mối quan hệ đó.
Sức Khỏe Tình Dục phụ thuộc vào những yếu tố cá nhân và bản thân cũng như những ảnh hưởng từ xã hội. Các bạn trẻ cần được trang bị khả năng tăng cường đối thoại trong mọi mối quan hệ, đặc biệt là trong các mối quan hệ tình cảm lãng mạn gần gũi. Trong nhiều xã hội và nền văn hóa, quá trình phát triển mối quan hệ tiến tới hôn nhân bắt đầu từ khi tuổi còn nhỏ. Nhưng chỉ số ít những bạn trẻ trong độ tuổi đó có ý niệm rõ ràng về những phẩm chất cần thiết và quan trọng của một người bạn đời, hay chỉ đơn giản là một mối quan hệ lành mạnh, làm thế nào để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và phải làm sao để thoát ra khỏi một mối quan hệ xấu. Và họ thường nhận được rất ít sự hướng dẫn của những người lớn tuổi hơn, thậm chí là từ chính bố mẹ.
Có những mối quan hệ không lành mạnh, tuy nhiên việc nhìn nhận nó một cách khách quan và đặc biệt là việc đi tới và thực hiện quyết định chấm dứt nó rất khó khăn, đặc biệt là với các bạn trẻ. Sự không cân bằng về vị thế trong các mối quan hệ thường không bị phản bác hay lên án, thậm chí được tán thành và khuyến khích trong nhiều nền văn hóa, có ảnh hưởng rất lớn tới các bạn nữ trẻ tuổi.
Nhìn chung, GDTDTD cần được hướng dẫn và truyền tải xoay quanh những giá trị cốt lõi:
- Nuôi dưỡng những chuẩn mực, thái độ và xây dựng kỹ năng sống hướng tới bình đẳng giới và tôn trọng sự đa dạng
- Nhìn nhận những đối tượng yếu thế và chống lại sự bài trừ của bất kỳ nhóm đối tượng nào.
- Đề cao sự tham gia của người trẻ và nâng cao năng lực dân sự, quyền công dân
- Khuyến khích sở hữu địa phương và thích nghi văn hóa
- Trang bị một cách tiếp cận tích cực với tình dục.
Vì GDTDTD hướng tới cung cấp những thông tin đầy đủ và toàn diện về tình dục, Sức Khỏe Tình Dục và Sức Khỏe Sinh Sản cũng như các khía cảnh sức khỏe khác, chương trình này tạo ra nhu cầu lớn cho những dịch vụ hỗ trợ thân thiện với thanh niên. Bởi vậy việc kết nối chương trình GDTDTD với các dịch vụ hỗ trợ là hết sức cần thiết. Đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái, cách tiếp cận toàn diện đề cao quyền Sức Khỏe Tình Dục và Sinh Sản bao gồm thông tin và giáo dục cũng như tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ là rất quan trọng để đáp ứng các nhu cầu và đảm bảo quyền cho họ. Bởi nữ giới đặc biệt là các bạn trẻ thường chưa có hiểu biết đầy đủ về tình dục và sinh sản, cũng như chưa được trao quyền và hiểu về quyền
Nguồn: THE ESSENCE OF AN INNOVATIVE PROGRAMME FOR YOUNG PEOPLE IN SOUTH EAST ASIA: A POSITION PAPER ON COMPREHENSIVE SEXUALITY EDUCATION (INCLUDING YOUTH FRIENDLY SERVICES), MEANINGFUL YOUTH PARTICIPATION AND RIGHTS-BASED APPROACHES IN PROGRAMMING by Asian Pacifi Research and Resource Centre for Women (ARROW)
San và Trang Bùi
Các tin mới hơn
- QUYỀN TÍNH DỤC - ẤN PHẨM CỦA ARROW Thứ Hai, 19/04/2021
- Thảo luận về đơn thuốc Thứ Ba, 23/07/2024
- Chuẩn bị trước khi đi khám Thứ Ba, 23/07/2024
- Chọn bác sĩ phù hợp Thứ Ba, 23/07/2024
- Thách thức với cơ sở cung cấp dịch vụ sàng lọc/ chẩn đoán/ điều trị trầm cảm sau sinh Thứ Ba, 23/07/2024
- Gia đình cần làm gì để hỗ trợ phụ nữ trầm cảm sau sinh Thứ Ba, 23/07/2024
- Cách phòng ngừa trầm cảm sau sinh Thứ Ba, 23/07/2024
- Thách thức với phụ nữ trong phát hiện trầm cảm sau sinh và tìm kiếm dịch vụ trợ giúp Thứ Ba, 23/07/2024
- Các phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh Thứ Ba, 23/07/2024
- Phụ nữ sau sinh cần làm gì nếu có dấu hiệu trầm cảm sau sinh Thứ Ba, 23/07/2024
Các tin khác
- RỐI LOẠN PHỔ TỰ KỶ Thứ Năm, 23/06/2016
- Khuyết tật, ám ảnh và những hiểu lầm về tình dục Thứ Tư, 06/04/2016
- Thương thuyết không gian công cộng và pháp luật: Phong trào ủng hộ quyền của người LGBT tại Việt Nam Thứ Bẩy, 21/06/2014