CCIHP với Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về Nghiên cứu sức khỏe sinh sản và tình dục

Thứ Năm, 13/12/2012
CCIHP với Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về Nghiên cứu sức khỏe sinh sản và tình dục
Hội nghị được Bộ Y tế, Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức nhằm chia sẻ và thảo luận các nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) tại Việt Nam; ứng dụng các kết quả của nghiên cứu trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình về SKSS/SKTD tại Việt Nam và định hướng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực SKSS/SKTD trong giai đoạn tiếp theo. CCIHP tham dự hội nghị này với một bài trình miệng, 5 poster nghiên cứu và một gian trưng bày, giới thiệu các ấn phẩm của CCIHP

“Cần phải có chương trình vận động chính sách và nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là những người làm truyền thông về quyền tình dục của VTN/TN. VTN/TN cần được tham gia mạnh mẽ hơn để giảm kì thị của xã hội về quan hệ tình dục trước hôn nhân, khẳng định quyền SKSS và SKTD, tiếp cận dịch vụ y tế an toàn và thân thiện”.

Trên đây là những khuyến nghị mà chị Đinh Phương Nga, cán bộ dự án, Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) đưa ra trong phần trình bày nghiên cứu có tên: “Báo chí và quan hệ tình dục, mang thai, phá thai và sinh con trước hôn nhân ở Việt Nam” (do CCIHP thực hiện) tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về Nghiên cứu sức khỏe sinh sản và tình dục, tổ chức tại khách sạn Melia, Lý Thường Kiệt, Hà Nội vào ngày 12/12/2012.

 
 Anh5_ChiDinhPhuongNgavoibaitrinhbaycuaCCIHPtaiHoinghi_zpsd6bf8676.jpg
 
Chị Đinh Phương Nga với bài trình bày của CCIHP
 
Hội nghị được Bộ Y tế, Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp cùng Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức nhằm chia sẻ và thảo luận các nghiên cứu mới nhất về lĩnh vực sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS/SKTD) tại Việt Nam; ứng dụng các kết quả của nghiên cứu trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình về SKSS/SKTD tại Việt Nam và định hướng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực SKSS/SKTD trong giai đoạn tiếp theo. Hội nghị tập trung vào 7 chủ đề chính là: Kế hoạch hóa gia đình và vô sinh; làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh; SKSS/SKTD vị thành niên và thanh niên; SKSS/SKTD ở nhóm dễ bị tổn thương; SKSS/SKTD người có HIV; giới và SKTD; ung thư sinh dục.
 
 anh2_TrungbaypostercuaCCIHPtaihoinghi.jpg
 
Hứng thú với poster của CCIHP
 
Đến với hội nghị này, CCIHP mong muốn được trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các hội viên, các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực SKSS/ SKTD những mục tiêu, hoạt động, kết quả của các dự án nghiên cứu cũng như can thiệp cộng đồng trong các lĩnh vực giới, sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản mà CCIHP đã và đang triển khai thông qua việc trình bày nghiên cứu và trưng bày poster, tài liệu, ấn phẩm của các dự án của CCIHP.
 
 Anh4_zpsed9df284.jpg
 
Các cán bộ tham gia hội nghị của CCIHP
 
Nghiên cứu nói trên của CCIHP đã được các đồng nghiệp và đại biểu tham dự hội nghị ghi nhận và đánh giá cao về tính ứng dụng. Bởi lẽ nghiên cứu đã đặt ra vấn đề về nhận thức của xã hội, đặc biệt là những người làm truyền thông về quyền SKSS và SKTD của TN/VTN. Đồng thời, khuyến nghị rằng VTN/TN cần được tham gia mạnh mẽ hơn để giảm kì thị của xã hội về quan hệ tình dục trước hôn nhân, khẳng định quyền SKSS và SKTD, tiếp cận dịch vụ y tế an toàn và thân thiện. Đây là những cách thức góp phần thay đổi các quan điểm tiêu cực, sai lệch về các vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân, sống thử, mang thai ngoài ý muốn, nạo hút thai của VTN/TN. Từ đó, góp phần xây dựng một xã hội mà trong đó, quyền tình dục của thanh niên được thừa nhận trên báo chí và thực tiễn cuộc sống.
 
 Anh3_GoctrungbaycuaCCIHPtaihoinghi_zps8263b063.jpg
 
Góc trưng bày của CCIHP

Ngoài báo cáo, 5 poster được trưng bày tại hội nghị cũng đã chia sẻ thông tin về các nghiên cứu, dự án can thiệp cộng đồng trong các lĩnh vực giới, sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản mà CCIHP đã và đang triển khai, cụ thể là: “Nghiên cứu tình dục thanh niên và điện thoại di động”; “Tư vấn đồng đẳng trực tuyến cho đồng tính nam qua trang web http:nam-man.vn”; “Đánh giá hiệu quả mô hình câu lạc bộ dự án tăng cường bình đẳng giới”; “Nghiên cứu trực tuyến về kì thị, phân biệt đối xử và bạo lực trong trường học với người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới, chuyển giới tính và giao giới tính”; “Khảo sát đánh giá nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cho công nhân khu công nghiệp Hà Nội”.

Với sự tham gia báo cáo, trưng bày và trao đổi tại hội nghị, "CCIHP" đã khẳng định mong muốn được tham gia và góp phần vào việc thực hiện thêm “nhiều nghiên cứu về sức khỏe tình dục và sinh sản của thanh niên để có thể cung cấp bằng chứng chính xác giúp xây dựng chương trình và chính sách đáp ứng nhu cầu thực sự về sức khỏe tình dục và sinh sản của thanh niên” như lời bà Bà Mandeep K.O''Brien, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đã đưa ra trong bài phát biểu.

LAN ANH



Các tin mới hơn


Các tin khác