Giới thiệu dự án GBV - Giai đoạn 2: 'Nâng quyền cho phụ nữ và thay đổi quan niệm về nam tính'

Chủ Nhật, 08/01/2012
Giới thiệu dự án GBV - Giai đoạn 2: 'Nâng quyền cho phụ nữ và thay đổi quan niệm về nam tính'
Với sự tài trợ của Quỹ Ford và sự nỗ lực, cam kết của UBND Thị xã Cửa Lò, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) tiếp tục triển khai giai đoạn hai của dự án “Mô hình lồng ghép phòng chống bạo hành giới dựa vào cơ sở y tế và cộng đồng” tại TX Cửa Lò từ tháng 7/2009 đến tháng 6/2012.

Với sự tài trợ của Quỹ Ford và sự nỗ lực, cam kết của UBND Thị xã Cửa Lò, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) tiếp tục triển khai giai đoạn hai của dự án “Mô hình lồng ghép phòng chống bạo hành giới dựa vào cơ sở y tế và cộng đồng” tại TX Cửa Lò từ tháng 7/2009 đến tháng 6/2012. 

Kết thúc giai đoan 1 của dự án (6/2006 – 6/2009), CCIHP và Ban Quản lý dự án TX Cửa Lò nhận thấy đã có một số thành công nổi bật trong 3 năm triển khai mô hình dự án: i) thay đổi về kiến thức, thái độ cũng như cách thức hỗ trợ trường hợp bạo hành giới của cán bộ địa phương; ii) gần 300 phụ nữ bị bạo hành đã được Trung tâm tư vấn Hạnh phúc gia đình và hệ thống hỗ trợ tư vấn và hỗ trợ, hơn 60% trong số đó đạt kết quả mong đợi. Nhiều phụ nữ đã nhìn ra sức mạnh tiềm tàng của bản thân, tự hào về mình. Họ bắt đầu không chấp nhận bạo hành; iii) Hơn 200 buổi truyền thông và sinh hoạt câu lạc bộ tại cộng đồng đã góp phần tạo môi trường cởi mở hơn để mọi người cùng thảo luận về bất bình đẳng giới và bạo hành, đồng thời nâng cao kiến thức và nhận thức về bạo hành cho cộng đồng. iv) Hoạt động vận động chính sách của dự án, phòng chống bạo hành giới đã trở thành một hoạt động bắt buộc trong kế hoạch hoạt động hàng năm của các cơ quan ban ngành địa phương.

Song, bên cạnh những thành công đạt được, vẫn còn một số tồn tại cần quan tâm cải thiện, đó là: i) Thành viên hệ thống hỗ trợ vẫn còn thiếu kiến thức pháp luật, họ làm việc dựa trên kinh nghiệm cá nhân là chính, và thường can thiệp theo cách ‘hòa giải’; ii) Nam giới trong cộng đồng nói chung và nam giới gây bạo hành nói riêng ngại tham gia vào các hoạt động của dự án. Trong khi đó nhiều nam giới vẫn tin rằng bạo hành là một cách khẳng định nam tính, và tỏ ra hạn chế trong kiểm soát nóng giận, cũng như chưa có kĩ năng giải quyết vấn đề; iii) Phụ nữ chỉ nói ra tình trạng bạo hành của họ và tìm kiếm sự giúp đỡ khi bạo hành đã ở mức nghiêm trọng hay khi họ quyết định ly hôn. Trong khi đó, họ đang thiếu kĩ năng giao tiếp và thương thuyết với chồng để tránh bạo hành ngay từ giai đoạn đầu; iv) Phụ nữ có nhu cầu được chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ trong sinh hoạt nhóm nhỏ; v) Người dân ở cộng đồng có kì thị đối với những phụ nữ bị bạo hành. Họ không thấy được những mặt mạnh và điểm tốt của người phụ nữ, trong khi những điểm mạnh/ tốt đó có thể giúp người phụ nữ nâng cao quyền năng/ sự tự tin của mình.

Những lý do trên đây khiến CCIHP và UBND TX Cửa Lò tiếp tục triển khai một số hoạt động hướng tới các mục tiêu cụ thể sau:

Mục tiêu cho cấu phần can thiệp:

  1. Tăng tính hiệu quả của mô hình hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ bị bạo hành thông qua việc nâng cao năng lực cho cán bộ và hỗ trợ đưa pháp luật vào thực thi trong cuộc sống;
  2. Nâng cao quyền cho phụ nữ bị bạo hành thông qua các nhóm tự lực, các hoạt động đào tạo về kĩ năng sống, sử dụng nghệ thuật sáng tạo, và tham gia các hoạt động xã hội;
  3. Xây dựng mô hình truyền thông thay đổi hành vi đối với người gây bạo hành thông qua khuyến khích nam giới tham gia truyền thông về bất bình đẳng giới và xây dựng hình ảnh ‘người đàn ông kiểu mới’ không bạo hành, và giáo dục đồng đẳng;
  4. Xây dựng môi trường cộng đồng không bạo hành và thân thiện với phụ nữ bằng cách tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động can thiệp và truyền thông về bạo hành giới và bất bình đẳng giới;
  5. Vận động ban hành và thực hiện các chính sách cụ thể và kế hoạch hành động nhằm hỗ trợ công tác phòng chống bạo hành và phụ nữ bị bạo hành.

Mục tiêu cụ thể cho cấu phần nghiên cứu bao gồm:

  1. Đưa ra bằng chứng cho thấy sự tác động của can thiệp đối với sự thay đổi hành vi của đối tượng nghiên cứu, bao gồm thành viên trong hệ thống hỗ trợ, phụ nữ bị bạo hành và người gây bạo hành.
  2. Lập chỉ số nâng quyền cho phụ nữ trong hoạt động phòng chống bạo hành giới.

Trong giai đoạn hai này, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương, dự án đặc biệt chú trọng đến ‘nâng quyền cho phụ nữ và thay đổi quan niệm về nam tính’ thông qua việc triển khai hoạt động sinh hoạt nhóm Phụ nữ tự lực (gồm phụ nữ bị bạo hành) và nhóm Nam giới trách nhiệm (gồm nam giới gây bạo hành), và truyền thông tại cộng đồng với các chủ đề về hình ảnh người đàn ông thời đại mới (không sử dụng bạo lực, chia sẻ trách nhiệm với phụ nữ). Ngoài ra, dự án cũng quan tâm tới nâng cao chất lượng can thiệp đối với các trường hợp bạo hành giới, đẩy mạnh vai trò của công an trong xử lý đối với trường hợp bạo hành giới.

 

Nhóm Cán bộ dự án GBV



Các tin mới hơn


Các tin khác