“Không ai bị bỏ lại phía sau”…

Thứ Sáu, 30/06/2017
“Không ai bị bỏ lại phía sau”…
Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị châu Á -Thái Bình Dương về sức khỏe, quyền sinh sản và tình dục (tháng 11-2017). Hội Y tế công cộng Việt Nam là đầu mối đăng cai tổ chức với sự hỗ trợ của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Trong vai trò Ban tổ chức, báo PL&XH đã có cuộc trò chuyện với BS. NCS Hoàng Tú Anh, GĐ Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP).

Được biết, chủ đề xuyên suốt của hội nghị là “Không ai bị bỏ lại phía sau?”. Vậy, bà có thể cho biết, đối tượng nào bị bỏ lại phía sau?

Quyền về sức khỏe sinh sản và tình dục đã được thừa nhận là các quyền trong Quyền con người. Đã gọi là quyền tức là mọi cá nhân đều được thực hiện quyền như nhau. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều cá nhân, nhóm và cộng đồng bị lãng quên hay gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền của họ do tình trạng sức khỏe, kinh tế, xã hội, di cư, dân tộc, tôn giáo, bản dạng giới hay xu hướng tình dục.  

 

“Công lý trong sức khoẻ sinh sản và tình dục”, bà có thể chia sẻ thêm về chủ đề này?

Khi nói đến khái niệm “quyền”, quyền con người nói chung hay quyền sức khỏe sinh sản và tình dục nói riêng thì các cá nhân được coi là các chủ thể có quyền, Nhà nước và các thể chế khác liên quan có nghĩa vụ thực hiện quyền của các cá nhân. Công lý là nói đến việc Nhà nước thừa nhận sự khác biệt giữa các cá nhân và thiết lập các cơ sở về pháp lý, kinh tế, cơ sở vật chất, dịch vụ… và cả cơ chế giám sát để đảm bảo các cá nhân có thể vượt qua được các rào cản như đã nói ở trên và thực hiện được quyền của mình.

 

Công lý là cơ sở quan trọng để đạt được công bằng và bình đẳng trong thực hiện quyền sức khỏe sinh sản và tình dục. Ví dụ: Vị thành niên và thanh niên cần được tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục như những người trưởng thành. Hiện tại ở Việt Nam, tỷ lệ không được đáp ứng nhu cầu về phòng tránh thai ở vị thành niên và thanh niên chưa kết hôn cao gấp đôi so với các cặp vợ chồng đã kết hôn.

 

 

Điều này cho thấy, nhu cầu về tình dục và sinh sản ở người chưa kết hôn. Tương tự như vậy là dịch vụ về sức khỏe sinh sản và tình dục cho những người khuyết tật. Hầu hết các cơ sở y tế ở Việt Nam chưa có dịch vụ sức khỏe sinh sản thân thiện và dễ tiếp cận với người khuyết tật. Hay các kĩ thuật thụ thai nhân tạo còn chưa sẵn có và khó tiếp cận với những người có HIV, những người muốn làm bố hay làm mẹ đơn thân, những người đồng tính.

 


Ngoài ra, hội nghị còn có nhóm chủ đề: Vượt qua rào cản xã hội, văn hóa và tôn giáo trong Sức khỏe sinh sản và tình dục; Hướng tới một cơ cấu kinh tế công bằng cho Sức khỏe Sinh sản và Tình dục; Cải thiện công lý cho Quyền sinh sản và tình dục; Chương trình giáo dục Sức khỏe Sinh sản và Tình dục chất lượng tốt cho tất cả mọi người; Thúc đẩy công lý và công bằng trong sức khỏe sinh sản và tình dục và chăm sóc sức khỏe.

 

 

Theo PL&XH



Các tin mới hơn


Các tin khác