Triển lãm "Tôi +" góc nhìn đa dạng hơn về Gia đình

Thứ Hai, 11/11/2013
Triển lãm "Tôi +" góc nhìn đa dạng hơn về Gia đình
Triển lãm “Tôi +” với thông điệp: "Ở ĐÂU CÓ YÊU THƯƠNG - Ở ĐÓ CÓ GIA ĐÌNH" đã khai mạc tối ngày 6/11/2013, với rất nhiều điều khác biệt và cũng là triển lãm sắp đặt được sinh ra từ sự thách thức và cũng mang nhiều thách thức. Triển lãm được thực hiện bởi Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Viện phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (LIGHT), Viện Kinh Tế, xã hội và Môi trường (ISEE), Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED), và Rutger WPF trong liên minh Quyền Tình dục

Triển lãm “Tôi +” với thông điệp: "Ở ĐÂU CÓ YÊU THƯƠNG - Ở ĐÓ CÓ GIA ĐÌNH" đã khai mạc tối ngày 6/11/2013, với rất nhiều điều khác biệt và cũng là triển lãm sắp đặt được sinh ra từ sự thách thức và cũng mang nhiều thách thức.

 
Với những nỗ lực của các tổ chức trong liên minh quyền tình dục gồm Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Viện phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (LIGHT), Viện Kinh Tế, xã hội và Môi trường (ISEE), Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED), và Rutger WPF, các tình nguyện viên, các cố vấn nghệ thuật Nguyễn Quang Vinh, Đỗ Tường Linh, Lê Hương Giang và một phần không thể thiếu đó là sự có mặt của các bạn nòng cốt trong mỗi cộng đồng người có H, khuyết tật, công nhân di cư, lao động tình dục, LGBT, mẹ đơn thân đã kết nối những thành phần trên đến với cộng đồng của mình để cùng nhau xây dựng những thông điệp, mô hình về gia đình của mình, triển lãm sắp đặt đã hiện hình thành 4 phần cơ bản nhất:
 
Bữa cơm tinh thần
 
Ai cũng phải ăn và bữa cơm gia đình là một phần không thể thiếu đối với mỗi chúng ta. Và nghệ sỹ sắp đặt Lê Hương Giang đã mời người xem đến cùng thưởng thức bữa cơm tinh thần của các bạn đồng tính, song tính và chuyển giới và với các bà mẹ đơn thân. Cũng là mâm, là bát, là đũa, nhưng mọi người được mời thưởng thức thật chậm những chia sẻ về tình yêu, những tâm sự của các gia đình của những bà mẹ đơn thân, và LGBT.
 
Muốn hiểu tôi, hãy ngồi xuống cùng tôi, hãy lắng nghe tôi
 
Với sự cố vấn của nghệ sỹ Đỗ Tường Linh và Nguyễn Quang Vinh, ước mơ, gia đình và cuộc sống gia đình của những người đang sống chung với HIV, với các chị làm lao động tình dục đã được tái hiện dưới dạng các phóng sự sinh động. Bên cạnh đó là phóng sự ảnh về sự hòa nhập cộng đồng của một thành viên nòng cốt và gia đình của anh Đoàn – một thành viên đang sinh hoạt tại Trung Tâm Sống Độc Lập Hà Nội. Những câu chuyện ở các tầng cao thấp một cách cố ý, trong đó câu chuyện của những bạn hỗ trợ cá nhân (PA) cho người khuyết tật được để phía trên và các bạn khuyết tật phía bên dưới. Muốn hiểu tôi, hãy quan sát cả không gian sống của tôi nữa. Đó là chiếc giường, góc học tập và làm việc của tôi. Đó cũng là nhà tôi.
 
Dịch chuyển và câu chuyện của những đồ vật
 
Một không gian khác ngay trong bảo tàng là một sắp đặt về các hộp giấy được nghệ sỹ Đỗ Tường Linh thực hiện. Mới nhìn qua sẽ thấy góc phòng đó thật ngổn ngang, như chưa hề có sự sắp đặt. Nhưng nó không khỏi gợi người xem đến sự tạm bợ, đến sự dịch chuyển của những người di cư ra sống và làm việc tại thành phố. Và bên trong mỗi cái hộp đó, cũng như tất cả mọi người, đó là những thứ mình cần, mình yêu quý sẽ mang đi với mình từ nơi này đến nơi khác. Một nghệ sỹ sắp đặt đến xem triển lãm, tấm tắc trước tác phẩm này. Với anh, tác phẩm này có rất nhiều tầng nghĩa và có sự chuyển hóa lớn từ việc miêu tả sang việc sử dụng hình ảnh biểu trưng. Khi anh được biết nó được xây dựng từ việc đia thực địa đến với những người công nhân di cư ở Hà Nội, anh bổ sung thêm về sự sắp đặt gợi cho anh một câu chuyện khác về mối quan hệ giữa người sản xuất (các công nhân) và những vật dụng mà họ sử dụng. Họ là người sản xuất nhưng không làm chủ sản phẩm, và cuộc sống của anh là những việc tái sử dụng các phần liên quan đến những sản phẩm của mình làm ra; tái sử dụng những cái hộp giấy (là những vật bao bọc các sản phẩm, đã loại khỏi sự luân chuyển của hàng hóa, đồ bỏ đi). Là người từng đi thực địa đến khác khu trọ của sinh viên và công nhân, anh cũng cho biết, mỗi cái hộp gợi nhớ cho anh những căn phòng nhỏ, và lối đi vào chật hẹp là cổng vào của những căn nhà nhỏ…nơi mọi người cũng chia sẻ những không gian chung nhỏ bé.
 
Cuộc sống của bạn qua tôi 
 
Trong suốt quá trình thực hiện triển lãm, các bạn tình nguyện viên là những sinh viên đến từ các trường Đại học Y tế Công Cộng, Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Học viên Báo chí và Tuyên Truyền đã đồng hành cùng với những nghệ sỹ tại cộng đồng, cùng lắng nghe những câu chuyện của mọi người và chia sẻ những câu chuyện đó theo những cách của riêng mình. Cảm xúc của các bạn được thể hiện qua lăng kính nhiều màu với thông điệp: “Mở rộng cách nhìn về gia đình, bạn sẽ thấy cuộc sống nhiều màu sắc và ý nghĩa hơn”. Ngoài ra, một góc trong triển lãm có một màn hình chiếu lên những hoạt động lên ý tưởng, làm việc cùng nhau giữa các nhóm.
 
Đây là một triển lãm đầy thách thức bởi lẽ các nhóm không có nhiều thời gian chuẩn bị. Nếu không có sự nhiệt tình tham gia, rất khó có thể thu thập được nhiều câu chuyện và hiện vật trong một thời gian ngắn như vậy. Thứ hai đó là sự kết hợp của rất nhiều ngôn ngữ. Những người thuộc các cộng đồng khác nhau, ngồi chung lại với nhau. Mỗi nghệ sỹ đều có cách nói của riêng mình, đề cao tính đa nghĩa và rồi những người làm chương trình, quen với việc truyền thông rõ ràng. Khi tất cả cùng ngồi chung để quyết định tạo dựng cái gì và như thế nào, đó là lúc những khác biệt được thể hiện và đó là lúc đòi hỏi mỗi người xem xét sự sẵn sàng chấp nhận khác biệt của mình và tôn trọng sự khác biệt của người khác như thế nào. Cuối cùng, chính việc lựa chọn cách thể hiện cũng rất thách thức với những người xem nào quen sự rành mạch và hướng dẫn. Đến triển lãm sắp đặt này, gần như họ không được hướng dẫn, họ không được xem liếc qua vì những hình ảnh đó và chữ viết đó rất nhỏ, dung dị như chính cuộc sống của mọi người. Thậm chí họ sẽ chẳng nhìn rõ ngay cái nhìn đầu tiên để biết đâu là của người mẹ đơn thân, đâu là của người đồng tính, của công nhân di cư. Có những khoảng sắp đặt khiến họ bị thách thức, không biết đó có thực sự là việc trưng bày đã xong hay chưa? Nhưng thực sự thì đó chính là cuộc sống, trong gia đình của mỗi con người, mọi thứ vẫn không ngừng vận chuyển, vẫn có những chuyến đi, và có đầy đầy bất định và bất an, nhất là đối với những người tha hương, những người còn chịu nhiều định kiến và bất công trong xã hội.
 
“Mình ngưỡng mộ về số lượng hiện vật, nhất là khi biết mọi người có 3 tuần chuẩn bị cho tất cả… Lúc đầu mình cứ thấy nó rời rạc, nhưng càng ngẫm càng thấy nó là sự cố ý và có ý nghĩa”, đó là lời nhận xét của một người bạn sau khi xem triển lãm này.
 
“Nếu chúng ta dành nhiều thời gian nhìn ngắm, đọc những dòng tâm sự và diễn giải, ta sẽ hiểu. Xét cho cùng,để yêu thương, cảm thông, sẻ chia và chấp nhận những cái khác, chúng ta không thể xem triển lãm sắp đặt này như một món ăn nhanh”, đó là điều người viết chia sẻ với người bạn mình như thế.
 
ĐINH NHUNG
 
 
-           


Các tin mới hơn


Các tin khác