"Chợ" sức khỏe: Nỗi lòng "kẻ bán", "người mua"

Thứ Năm, 31/01/2013
"Chợ" sức khỏe: Nỗi lòng "kẻ bán", "người mua"
Xuất phát từ lời nhắc nhở của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng với cố bộ trưởng bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương: “Các anh đừng biến bệnh viện thành cái chợ mà trong cái chợ ấy, bác sĩ là những con buôn”, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) đã phối hợp với nhóm “Hợp tác vì công bằng sức khỏe” (PAHE) thực hiện quan sát dịch vụ y tế từ góc nhìn của xã hội dân sự. Nằm trong chuỗi các hoạt động đó, từ ngày 24-28/1/2013, triển lãm ảnh “CHỢ SỨC KHỎE – HEALTH MARKET” được tổ chức tại số 45 Tràng Tiền (Hà Nội) nhằm giúp người xem thấy được hình ảnh thực tế của các sản phẩm và dịch vụ y tế từ góc nhìn của người sử dụng.


Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Trần Hùng Minh – giám đốc CCIHP chia sẻ: “Ai ở đây trong chúng ta cũng ít nhiều đặt chân đến chợ. Chợ là nơi buôn bán, khá ồn ào. Bệnh viện ngày nay, dưới con mắt của nhiều người cũng xô bồ như vậy. Khi đến chợ, mỗi chúng ta đều muốn mang về một cái gì đó có ích cho bản thân mình. Vậy khi đến “chợ sức khỏe”, chúng ta muốn mang về cái gì? Chắc chắn là sức khỏe và để có sản phẩm là sức khỏe, chúng ta sẽ phải mua dịch vụ y tế. Dịch vụ y tế ấy đang được “mua-bán” như thế nào? Đó là câu hỏi mà khi tổ chức triển lãm này, chúng tôi mong muốn mang lại cho các bạn cái nhìn toàn diện về ngành y qua con mắt của người sử dụng. Có những bức ảnh chưa làm hài lòng “người bán” nhưng hi vọng những người làm trong ngành y sẽ coi đó là lời nhắc nhở nhẹ nhàng để bác sĩ và bệnh nhân không còn khoảng cách”.

 

Cùng chung quan điểm trên, ông Phạm Vũ Thiên – giám đốc truyền thông của CCIHP khẳng định: “Nhắc đến chợ, người ta sẽ nghĩ đến cảnh thuận mua vừa bán. Người mua thường biết chắc về chất lượng của sản phẩm mình định mua, nhưng đến “chợ sức khỏe” thì khác. Dù phải bỏ tiền ra nhưng bạn không thể quyết định được chất lượng dịch vụ. Đó là điều chưa thật hợp lý. Hơn nữa, mỗi chợ đều có một ban quản lý, nhưng “chợ sức khỏe” thì ban quản lý ở đâu? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi trật tự của “chợ sức khỏe” chưa được thiết lập?”.
 
 Picture021_zps34b4eb55.jpg
 
Rủ nhau đi "chợ"
Với hơn 100 bức ảnh được chụp bởi các cộng tác viên, các phóng viên, triển lãm “Chợ sức khỏe” đã đưa ra những góc nhìn tương đối đầy đủ về thực trạng hiện tại ở hầu khắp các bệnh viện. “Chợ nơi phố thị” là cảnh bát nháo, ngột ngạt khi dòng người chen chúc khám bệnh. Mỗi người mỗi tâm sự nhưng chắc chắn ai cũng thấy mệt mỏi bởi chờ đợi và xếp hàng như thời bao cấp. “Chợ quê” là góc nhìn về dịch vụ khám chữa ở tuyến tỉnh, tuyến huyện. Nơi đây thường heo hút và cơ sở vật chất đã có phần xuống cấp. Trong khi đó, “chợ cóc” là điểm nhấn về những dịch vụ y tế ăn theo xung quanh bệnh viện, cũng nhộn nhịp tấp nập kẻ bán người mua. Còn “chợ thuốc và thực phẩm chức năng” lại hướng đến hình ảnh của các quầy thuốc hay quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh trên vô tuyến. Đặc điểm chung của “chợ” này là xuất hiện mọi lúc, mọi nơi và nhiều khi khiến người ta cảm thấy “bội thực”. Khu vực “cò” – những người môi giới dịch vụ khám cũng được nhìn ở nhiều góc độ như: làm rối loạn trật tự “chợ” hay cũng có tâm sự “cám ơn “cò” ”… Mục “chuyện chung – chuyện riêng” ghi lại những tâm sự của “người mua” đã để lại một điểm nhấn sâu lắng trong “phiên chợ” này.  
Cùng với các loại hình “chợ”, triễn lãm còn hướng người xem đến “người bán” – những bác sĩ trong mọi tâm trạng: nhiệt tình có, thân thiện có, căng thẳng có… Khu vực ảnh “người mua” có lẽ được chú tâm nhiều nhất bởi dường như ai cũng đã từng trải nghiệm trong vai trò này. Chỉ vào bức ảnh chụp cảnh những “thượng đế” phải nằm ngoài hành lang “cho thoáng”, bác Nga, cán bộ hưu trí phường Hàng Bài cười: “Đúng là cảnh mình ngày xưa. Vào trong phòng thì đông đúc, 2, 3 người một giường nóng không chịu nổi nên đành xách giường bạt ra ngoài nằm cho thoáng”.
 
Đến tham dự triển lãm, bác Hoàng Nga, một nhiếp ảnh gia tự do bày tỏ suy nghĩ: “Tôi bị thu hút bởi cái tên triển lãm “Chợ sức khỏe” và càng ấn tượng hơn với câu nói của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng được in to trước cửa. Vậy là dù không có giấy mời, nhưng cũng thử đi “chợ” xem thế nào, xem “chợ” ngày nay có khác gì so với “chợ” ngày xưa mình đã từng đến hay không. Nói chung là khắc nghiệt hơn. Dù thái độ bác sĩ cũng không được thân thiện lắm nhưng ngày xưa tôi cũng được một mình một giường”.
 
 Picture088_zpsc7334a45.jpg

 

Lưu lại kỷ niệm
Dừng chân ở góc ảnh “người bán”, chị Phương (người nội trợ) nhận xét: “Cái “chợ” này bên cạnh những gương mặt thân thiện vẫn thiếu những “người bán” đanh đá. Bác sĩ bây giờ họ quát bệnh nhân ghê lắm. Tôi đi khám mà nhiều khi không hiểu cái gì cũng không dám hỏi đến cùng vì sợ bị mắng. Họ bắt mình làm xét nghiệm nọ, xét nghiệm kia, nhưng chẳng giải thích gì, hỏi nhiều thì họ quát, họ bảo mình không có chuyên môn nên giải thích cũng bằng thừa, chỉ cần làm theo lời chỉ dẫn là đủ. Một vấn đề nữa mà triển lãm cũng chưa đề cập đến đó là nạn phong bì”.
 
Ngoài việc phản ánh lại chất lượng dịch vụ qua con mắt của người tiêu dùng, triển lãm “Chợ sức khỏe” còn giới thiệu một số nỗ lực, sáng kiến của ngành y tế nhằm khắc phục tình trạng trên. Hi vọng rằng với cái nhìn chân thực của triển lãm và cái tâm của người thấy thuốc, trong tương lai, mỗi bệnh viện sẽ không còn cảnh xô bồ người bán – kẻ mua như chợ nữa.

Thu Phương

 

 




Các tin mới hơn


Các tin khác