Những vấn đề về giới và tình dục ở Việt Nam: Huyền thoại và sự thực về đeo cấy dương vật và các vật cụ kích thích tình dục, số 3, năm 2004

Chủ Nhật, 04/08/2013
Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Chuyên san Giới, Tình dục và Sức khỏe Tình dục số 3 với nhan đề: “Những vấn đề về giới và tình dục ở Việt Nam: Huyền thoại và sự thực về đeo cấy dương vật và các vật cụ kích thích tình dục". Tác giả: Đặng Nguyên Anh và Lê Bạch Dương

Tóm tắt


Các chính sách đổi mới kinh tế - xã hội được giới thiệu từ những năm 1980 ở Việt Nam đã đem lại những thay đổi chưa từng có, hướng tới một xã hội đa dạng và cởi mở hơn. Trong số đó, đáng chú ý nhất là các thay đổi mạnh mẽ về chuẩn mực, thái độ và hành vi trong lĩnh vực tình dục và quan hệ tình dục. Mặc dù vậy, việc sử dụng các vật đeo cấy dương vật và các vật cụ kích thích tình dục vẫn chưa được ghi chép nhận. Bài viết nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích lấp dần khoảng trống trong các tài liệu về giới và tình dục bằng việc  tìm hiểu về đeo cấy dương vật và sử dụng vật cụ kích thích tình dục – và để có hiểu biết ban đầu về các chủ đề chưa được nghiên cứu này.
 
Bài viết tìm lời giải cho các câu hỏi trong các nghiên cứu về giới và tình dục ở Việt Nam bao gồm: Các thực hành đeo cấy dương vật và sử dụng các vật cụ kích thích tình dục có tồn tại không và nếu có, các thực hành này hiện ở những loại hình và hình thức nào? Ai là đối tượng đeo cấy dương vật hay sử dụng các vật kích thích đó? Những hành vi này có nghĩa gì và có ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giới, nhìn từ góc độ của những người bạn tình có liên quan? Liệu các hành vi đó có dẫn đến sự thay đổi tương quan quyền lực giữa hai giới? Các thực hành này tác động tới sức khoẻ tình dục ra sao?  
 
Nghiên cứu thực địa được tiến hành ở ba thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2002 cho thấy thực hành đeo cấy dương vật và sử dụng các vật cụ kích thích tình dục là một thực tế ở Việt Nam và nhu cầu về các trải nghiệm tình dục, thoả mãn và khoái cảm tình dục đang tăng lên, đối với cá nhân cũng như bạn tình của họ. Đồng thời, các thực hành này cũng phản ánh những thay đổi cơ bản trong nhận thức xã hội về vai trò giới và các mối quan hệ tình dục trong xã hội Việt Nam thời kỳ biến đổi. Dù động lực sử dụng vật đeo cấy và vật cụ kích thích tình dục là khác nhau, thực hành này có thể dẫn tới việc làm tăng ưu thế của nam giới. Thực hành đeo cấy dương vật và vật cụ kích thích do một bộ phận cá nhân có đặc điểm xã hội đa dạng sử dụng nên tiềm ẩn những nguy cơ tác động tới cả nam giới và phụ nữ về tình dục và sức khoẻ sinh sản. Chính vì sự thiếu kiến thức và hiểu biết của người dùng thực hành này, những nguy cơ này trở nên nguy hiểm hơn, đặc biệt trong bối cảnh căn bệnh thế kỷ AIDS đang lan tràn trên quy mô rộng hiện nay. 
 
Bài viết đã đưa ra các đề xuất và gợi ý cho các chính sách và chương trình tương lai. Chúng tôi nhận thấy không nên thực hiện các chiến dịch hay các chương trình can thiệp trực tiếp ngăn cấm việc đeo cấy dương vật và vật cụ kích thích tình dục vì các chương trình này thường không mang lại hiệu quả. Thay vào  đó, các thông tin rõ ràng, các chương trình giáo dục về lợi ích và truyền thông hiệu quả trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng giới sẽ giúp thay đổi hành vi tích cực về tình dục và sức khoẻ tình dục.

Các độc giả muốn nhận bản in, xin mời điền thông tin và gửi về Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số. Tài liệu sẽ được phân phát miễn phí sau khi nhận được đầy đủ thông tin của cá nhân/ đơn vị yêu cầu.

Thông tin về các ấn phẩm và hoạt động khác của CCIHP, xin liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ:

Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) 

Địa chỉ:     Số 2, Ngõ 49/41 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Email:       gsh@ccihp.org 

Tel:           84 4 35770261 

Fax:          84 4 35770260



Các tin mới hơn


Các tin khác