Mô hình Tình nguyện trẻ- Thúc đẩy quyền sức khỏe sinh sản, tình dục của vị thành niên Việt Nam

Thứ Sáu, 20/11/2020
Mô hình Tình nguyện trẻ- Thúc đẩy quyền sức khỏe sinh sản, tình dục của vị thành niên Việt Nam
Vào ngày 18/11/2020, Điều phối viên của chương trình Tình nguyện trẻ: Ths. Lê Thị Lan Anh  đến từ trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) đã có cơ hội trình bày về mô hình Tình nguyện trẻ tại phiên 5 (Sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản) tại Hội nghị quốc tế được tổ chức tại đại học Y Hà Nội có tên“Tăng cường năng lực kiểm soát bệnh tật trong bối cảnh toàn cầu hoá”.

Bài trình bày đề cập tới mục tiêu của mô hình, một số hoạt động chính, thành quả đạt được từ việc triển khai mô hình giáo dục đồng đẳng về sức khỏe sinh sản, tình dục dành cho nhóm đối tượng học sinh trung học (11-14 tuổi). Bài trình bày đặc biệt chú trọng đề cập tới các hoạt động kết nối giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh trong việc thúc đẩy tương tác giữa các nhóm đối tượng này, tạo ra sự cởi mở khi thảo luận về sinh sản, tình dục. Từ đó, tạo nên sự tự tin của nhóm vị thành niên khi ứng phó với những khó khăn liên quan tới vấn đề này.

Ban chủ tọa của phiên sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản

Bài trình bày “Mô hình Tình nguyện trẻ: Kết nối để xóa đi khoảng cách giao tiếp giữa bố mẹ, thầy cô và học sinh” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và ý kiến bày tỏ sự quan tâm tới mô hình đồng đẳng dành cho học sinh trung học:

“Đây là một cách tiếp cận khá khó, đặc biệt cho nhóm học sinh trung học nhưng CCIHP đã thực hiện được thì điều đó rất đáng hoan nghênh. Nhiều khi chúng ta không đủ nguồn lực để thực hiện việc làm này và các chương trình như CCIHP đang triển khai rất tốt, rất đáng được nhân rộng” (TS. BS Nguyễn Đức Vinh- Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em – Bộ Y tế)

“Đối tượng học sinh trung học được coi là đối tượng còn nhỏ, việc truyền thông về sức khỏe sinh sản ở đối tượng này hết sức cần thiết nhưng vẫn thường bị bỏ qua. Giao tiếp giữa bố mẹ, thầy cô rất quan trọng để giúp các em có thể tự tin khi giải quyết các khó khăn nhưng thực tế các em lại không tìm đến bố mẹ mà có thể tìm đến bạn bè. Bởi lẽ bố mẹ thường đe dọa khiến các em cảm thấy sợ. Việc đầu tư vào nhóm đối tượng cha mẹ, thầy cô như mô hình triển khai là rất hay, thiết thực và cần thiết” (Đại biểu tham dự hội nghị)

“Mô hình này thực hiện ở trường công lập, không phải trường tư thục, đây là một nỗ lực rất lớn bởi đòi hỏi sự hợp tác từ phía nhà trường, thầy cô, bố mẹ. Tôi hy vọng mô hình sẽ được mở rộng hơn nữa đến nhiều trường học khác” (Đại biểu tham dự hội nghị)

Là mô hình giáo dục đồng đẳng (Cụ thể trong mô hình này là vị thành niên truyền thông, tư vấn cho vị thành niên khác trong nhà trường về sinh sản, tình dục) lần đầu tiên được thí điểm tại Việt Nam dành cho học sinh trung học cơ sở, mô hình Tình nguyện trẻ đã góp phần minh chứng về hiệu quả của giáo dục đồng đẳng trong việc tăng cường kiến thức, kĩ năng về giáo dục tình dục toàn diện cho học sinh trung học. Mô hình góp phần thúc đẩy thực hiện quyền sinh sản, tình dục dành cho vị thành niên bởi đã thu hút được sự quan tâm của bố mẹ, thầy cô, nhà trường, học sinh tới nhu cầu tiếp cận thông tin, dịch vụ, nhu cầu được giáo dục của vị thành niên về các vấn đề trên. Từ đó, các lực lượng giáo dục khác nhau sẽ đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện nhu cầu chính đáng của vị thành niên, trong đó, kết nối để xóa đi khoảng cách giao tiếp giữa bố mẹ, thầy cô và học sinh về sinh sản, tình dục là nhân tố chìa khóa, là việc làm quan trọng đặt nền móng bền vững cho việc thực thi này.

 

poster “Thực trạng nhận thức, thái độ, ứng xử của học sinh trung học tại Hà Nội về vấn đề quấy rối tình dục”

Ngoài bài trình bày về mô hình Tình nguyện trẻ, poster “Thực trạng nhận thức, thái độ, ứng xử của học sinh trung học tại Hà Nội về vấn đề quấy rối tình dục” của dự án cũng được trưng bày tại hội nghị- poster trình bày một số kết quả chính trong nghiên cứu do CCIHP thực hiện về quấy rối tình dục trong môi trường trung học.

Thủy Tiên



Các tin mới hơn


Các tin khác