CCIHP tham gia vào quá trình tham vấn quốc gia về Chương trình phát triển sau năm 2015 tại Việt Nam

Thứ Sáu, 22/03/2013
CCIHP tham gia vào quá trình tham vấn quốc gia về Chương trình phát triển sau năm 2015 tại Việt Nam
Ngày 20/3, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia về Chương trình phát triển sau năm 2015 tại Việt Nam. Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những thách thức và ưu tiên phát triển cho Việt Nam giai đoạn sau năm 2015.

Ngày 20/3, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo tham vấn quốc gia về Chương trình phát triển sau năm 2015 tại Việt Nam. Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những thách thức và ưu tiên phát triển cho Việt Nam giai đoạn sau năm 2015. 

Chỉ còn 2 năm nữa đến thời hạn hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), Tổng thư ký LHQ đã nhấn mạnh về sự cần thiết phải có một quy trình minh bạch để đảm bảo rằng chương trình nghị sự mới đáp ứng được nguyện vọng của tất cả người dân trên thế giới. Để làm được điều đó, LHQ đang phối hợp với các chính phủ, xã hội dân sự, các viện nghiên cứu và khu vực tư nhân để xác định những ưu tiên cho chương trình nghị sự phát triển toàn cầu tiếp theo. Việt Nam được vinh dự là một trong 70 nước trên thế giới được LHQ hỗ trợ tổ chức các cuộc tham vấn cấp quốc gia để trực tiếp lắng nghe từ các công dân về những ưu tiên cho tương lai. Việt Nam được chọn thực hiện tham vấn vì những thành quả đã đạt được trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, và gần đây đã trở thành nước có thu nhập trung bình. 
 
Tám nhóm mục tiêu được tham vấn, bảy nhóm được lựa chọn dựa trên nền tảng họ là những nhóm yếu thế và không được thường xuyên tham gia các sự kiện tham vấn quốc gia. Họ là những người khuyết tật; dân tộc thiểu số; người già; người nhiễm HIV/AIDS; thanh niên; người nghèo ở nông thôn không có đất; người nghèo đô thị và nhóm thứ tám là nhóm khu vực tư nhân. Các cuộc tham vấn ở Việt Nam được tiến hành từ 11/2012 đến 1/2013 trên mọi miền đất nược với gần 1319 người tham dự. LHQ tại Việt Nam đã tập hợp các ý kiến và quan điểm thu thập được để đưa vào báo cáo tổng kết.
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang cùng 189 quốc gia trên thế giới hướng về năm 2015 - mốc thời gian đánh dấu kết thúc quá trình thực hiện cam kết Thiên niên kỷ và hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết Việt Nam đã giảm được một nửa tỷ lệ nghèo cùng cực và giảm tỷ lệ nghèo ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Việt Nam cũng được ghi nhận không còn sự khác biệt về giới trong tiếp cận giáo dục và đứng ở vị trí khá cao về xếp hạng chỉ số bình đẳng giới của thế giới. 
 
Tại hội thảo, đại diện các nhóm tham vấn cũng đã bày tỏ những nguyện vọng nhằm đảm bảo nhu cầu xã hội công bằng hơn, có việc làm tốt và ổn định, có khả năng tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả hợp lý, tiếp cận tới giáo dục và được dạy nghề.
 
Là một trong những đại biểu thanh niên tham gia vào quá trình tham vấn tại Việt Nam và toàn cầu, chị Đinh Phương Nga – điều phối viên chương trình thanh niên của trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) đã diện cho nhóm thanh niên chia sẻ tiếng nói của mình về tương lai thanh niên mong muốn sau 2015 liên quan tới sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Các khuyến nghị về tương lai sau 2015 tập trung vào:
 
1.      Cung cấp giáo dục Tình dục toàn diện cho thanh niên về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục ở mọi cấp độ, đặc thù, có tình nhạy cảm giới và dựa trên quyền của thanh niên.
2.      Đảm bảo việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho thanh niên tại các địa phương mà ở đó thanh niên có thể tiếp cận dễ dàng, chất lượng cao với giá cả phải chăng và có thể chi trả được
3.      Thanh niên được tạo cơ hội, nâng cao năng lực và tham gia vào tất cả các quá trình từ xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách và chương trình liên quan đến sưc khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.
 
Bạn Lương Bích Ngọc, sinh viên trường Đại Học Y tế Công Cộng cho rằng: “Việc đưa GDTD toàn diện vào trường học là điều quan trọng cần làm ngay, nhưng hãy bắt đầu từ việc đưa tư tưởng này vào các trường sư phạm, y tế để có một đội ngũ giảng dạy, tư vấn hiểu, thân thiện, có như vậy mới là hướng phát triển của tương lai, và điều này chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới thế hệ tương lai. Tham gia buổi hội thảo, đại diện cho nhóm nhóm thanh niên thúc đẩy quyền tình dục cho thanh niên tại Việt Nam tham cũng đã có những ý kiến chú trọng tới vấn đề về giáo dục sức khỏe sinh sản trong nhà trường ngay từ lúc này, trẻ em được sinh ra khỏe mạnh và nhận được bảo vệ, cải thiện hệ thống giáo dục hiện nay cũng như phải nộ lực hơn nữa trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Ngoài ra cũng có những ý kiến cho rằng nên chú trong vào một số nhóm yếu thế nữa như nhóm LGBT… để có thể ghi nhận được nhiều ý kiến một cách toàn diện. Những ý kiến của nhóm thanh niên cũng đã nhận được sự ủng hộ từ đại diện các nhóm tham vấn khác.
 
Trong lộ trình phát triển của Việt Nam sau năm 2015 cần tập trung đề xuất 3 vấn đề lớn như: biến đổi khí hậu là một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt với rủi ro do mực nước biển dâng, trong khi ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế và là sinh kế của người dân. Thứ hai là hội nhập kinh tế toàn cầu vừa là động lực đem lại những thành công về mặt kinh tế nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những hình thức rủi ro mới, đòi hỏi Việt Nam phải khẩn trương đẩy mạnh cải cách. Thứ ba là sự chuyển dịch về dân số của Việt Nam, xu hướng gia tăng dân số của cả nhóm người trẻ và người già cũng sẽ tạo nên sự thay đổi đáng kể trong thành phần lực lượng lao động./
 
Hoàng Thu Thủy - Tình nguyện viên CCIHP


Các tin mới hơn


Các tin khác