Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ bị tiêu chảy

Thứ Tư, 11/11/2020
Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ bị tiêu chảy

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều nước trên 3 lần/ ngày. Tiêu chảy gồm:

  • Tiêu chảy cấp: xảy ra đột ngột, kéo dài không quá 14 ngày (thường dưới 7 ngày)
  • Tiêu chảy kéo dài: khi tiêu chảy trên 2 tuần hoặc lâu hơn
  • Lỵ: khi tiêu chảy mà phân có máu

 

Tiêu chảy rất nguy hiểm đối với trẻ. Trẻ bị tiêu chảy thường bị suy dinh dưỡng và có thể dẫn tới tử vong, đặc biệt là lỵ. Tiêu chảy cấp thường tử vong do cơ thể bị mất lượng nước và muối lớn.

 

Suy dinh dưỡng và tiêu chảy thường liên quan chặt chẽ với nhau. Trẻ suy dinh dưỡng thường bị tiêu chảy và khi bị tiêu chảy sẽ gây nên suy dinh dưỡng và làm cho suy dinh dưỡng nặng hơn. Khi bị tiêu chảy thì cơ thể trẻ sẽ giảm hấp thu các chất dinh dưỡng và thường kém ăn, ăn không ngon miệng, đồng thời nhiều mẹ ngừng cho con ăn hoặc kiêng khem quá mức.


Nguyên tắc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy:

  • Trẻ bị tiêu chảy cần nhiều dịch hơn bình thường để bù lại lượng dịch mất qua phân và nôn. Nếu cho trẻ uống đủ lượng dịch ngay khi mới bị tiêu chảy thì có thể phòng được mất nước. Ngay tại nhà cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường như O-rê-zôn (ORS), nước cháo, nước súp, nước gạo rang, nước cơm và nước đun sôi để nguội.
  • Cho trẻ uống nhiều hơn bình thường, cho trẻ uống khi nào trẻ muốn và tiếp tục bù dịch bằng đường uống đến khi hết tiêu chảy. Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi chưa tự đòi uống nước được mà trẻ biểu hiện dấu hiệu khát nước bằng sự kích thích khó chịu. Vì vậy, cần phải cho trẻ uống nước để đánh giá xem trẻ có khát và muốn uống nước không. Khi trẻ không muốn uống nữa nghĩa là đã đủ lượng dịch bị mất.
  • Cách cho uống: Không cho trẻ uống bằng bình, cho trẻ nhỏ uống bằng thìa, cứ 1-2 phút cho uống một thìa. Trẻ lớn hơn cho uống bằng cốc, uống từng ngụm một. Không nên cho trẻ uống quá nhanh. Nếu trẻ bị nôn, cần ngừng cho uống trong 10 phút, sau đó lại tiếp tục cho uống, nhưng uống chậm hơn, ví dụ: 2-3 phút cho uống một thìa.
  • Số lượng dịch cần cho uống tại nhà sau mỗi lần đi ngoài:
    • Trẻ dưới 2 tuổi: 50 -100ml
    • Trẻ 2-10 tuổi: 100-200ml
    • Trẻ 10 tuổi trở lên và người lớn: Uống theo nhu cầu
  • Đối với trẻ bị tiêu chảy kéo dài cần bổ sung ngay 1 liều vitamin A theo quy định


Các loại dịch dùng trong điều trị tiêu chảy:

  • O-rê-zôn (ORS): Là dung dịch tốt nhất để điều trị tiêu chảy. Cách pha: rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi pha, đổ bột trong gói vào bình hoặc cốc sạch, đong 200ml nước sạch, tốt nhất là nước đun sôi để nguội, hoặc lượng nước theo hướng dẫn trên bao bì. Đổ nước vào bình hoặc cốc có chứa bột và khuấy kỹ cho đến khi bột hòa tan hoàn toàn. Cho trẻ uống trong vòng 24h, khi quá 24h thì đổ dung dịch đã pha đi và pha dung dịch mới. Cần đậy bình hoặc cốc cẩn thận và để ở nơi thoáng mát.
  • Nước cháo muối: Cách nấu: Dùng 1 nắm gạo, 1 nhúm muối và 6 bát ăn cơm nước sạch, đun 15- 20 phút từ khi sôi đến khi hạt gạo nở rồi lấy nước cho trẻ uống.
  • Nước gạo rang, nước cơm, nước đun sôi để nguội: cũng là những dung dịch bù nước cho trẻ hiệu quả


Nuôi dưỡng trẻ khi bị tiêu chảy

Nuôi dưỡng trẻ khi bị tiêu chảy rất quan trọng để đề phòng trẻ bị suy dinh dưỡng.

  • Trẻ nhỏ dưới 6 tháng đang bú mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú bình thường và tăng số lần bú, nếu trẻ ăn sữa ngoài thì vẫn cho trẻ ăn như bình thường.
  • Trẻ trên 6 tháng tuổi ngoài sữa mẹ hoặc sữa ngoài (đối với trẻ ăn sữa ngoài) thì cần cho trẻ ăn thêm các thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, trứng, cá… và dầu mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, nấu kỹ, dễ tiêu hóa và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã được nấu sẵn thì cần phải đun sôi lại trước khi cho ăn. Cho trẻ ăn thêm các loại quả chín hoặc nước quả như chuối, cam, chanh, xoài, nước dừa, đu đủ…để tăng lượng kali. Không dùng các loại nước giải khát công nghiệp, nước ngọt có ga và các loại thức ăn có nhiều đường vì chúng làm tăng tiêu chảy. Tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ như rau thô, tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ…) vì khó tiêu hóa.
  • Bố mẹ cần lưu ý súp và cháo loãng chỉ là các dung dịch để bù nước, không nên coi là thức ăn vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
  • Số lượng và số lần ăn: Cần cho trẻ ăn đầy đủ khi bị tiêu chảy, khuyến khích dỗ dành cho trẻ ăn nhiều càng tốt. Cứ 3-4 giờ cho trẻ ăn một lần, cho ăn khoảng 6 lần trong ngày. Cho trẻ ăn ít và nhiều lần thì tốt hơn là ăn nhiều nhưng ít lần.
  • Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ nhanh phục hồi và không suy dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa nữa trong 2 tuần liền. Với trẻ tiêu chảy kéo dài cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa và kéo dài tối thiểu 1 tháng.

 

Các món cháo/ bột tốt cho trẻ khi bị tiêu chảy:

  • Cháo bí đỏ thịt gà: Nguyên liệu gồm 80g gạo tẻ, 50g bí đỏ, 50g thịt gà, 1 muỗng cà phê dầu ăn dinh dưỡng, 300ml nước dùng và chút muối. Cách nấu: Thịt gà băm nhỏ, cho khoảng 2-3 thìa cà phê nước lọc vào tán đều, bí đỏ thái miếng hấp chín và tán nhuyễn, cho gạo tẻ và nước vào nồi nấu thành cháo, sau đó cho thịt gà, bí đỏ vào nấu chín, thêm một chút muối vào cháo. Khi cháo chín mẹ múc cháo ra tô cho thêm 1 thìa dầu ăn dinh dưỡng vào quấy đều và cho trẻ ăn khi cháo còn ấm. Nếu trẻ không thích ăn thịt gà mẹ cũng có thể thay thịt gà bằng thịt lợn nạc băm nhỏ.

·         Cháo hạt sen: Nguyên liệu: 50g gạo tẻ, 100g hạt sen (đã bỏ tâm sen), 50g củ mài, 15g quả hồng xiêm non, 20g đường phèn. Cách nấu: Quả hồng xiêm giã dập, đun sôi kỹ với 250 ml nước, lọc lấy nước và bỏ bã; gạo tẻ, hạt sen, củ mài, sấy khô, tán thành bột cho vào nước hồng xiêm khuấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín, cho đường phèn vào đun đến khi đường tan hết là xong. Mẹ có thể chia làm 3 bữa cho trẻ ăn liền khi còn nóng. Mẹ có thể cho bé ăn liền 2-3 ngày sẽ giúp ngưng tiêu chảy hiệu quả.

·         Cháo rau sam: Nguyên liệu: 50g gạo tẻ, 90g rau sam, 10g quả hồng xiêm non. Cách nấu: Cho rau sam, quả hồng xiêm non vào nồi, đổ 250ml nước đun sôi kỹ rồi lọc qua rây lấy nước, bỏ bã. Gạo xay thành bột cho vào nước rau trên quấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín mẹ nên cho trẻ ăn 2 lần 1 ngày khi cháo còn nóng

·         Cháo gừng: Nguyên liệu: 50g gạo tẻ, 5g gừng tươi. Cách nấu: rửa sạch gừng, băm nhỏ hoặc xay nhuyễn. Cho gừng và gạo vào nồi thêm nước vào nấu chín thành cháo. Mẹ nên cho bé ăn khi cháo còn nóng. Gừng có tác dụng làm ấm bụng, trị tiêu chảy nên sẽ giúp trẻ giảm tình trạng tiêu chảy nhanh chóng.


Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi đã điều trị tại nhà 2-3 ngày không đỡ hoặc khi xuất hiện một trong các triệu chứng sau:

  • Đi ngoài nhiều lần, phân tóe nước.
  • Nôn liên tục nhiều lần.
  • Có biểu hiện khát nước tăng.
  • Có sốt.
  • Ăn uống kém hơn bình thường.
  • Có máu trong phân.

  

Cách phòng bệnh tiêu chảy:

 

  • Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 2 tuổi.
  • Cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng. Cần tô màu bát bột với các loại thực phẩm của cả 4 nhóm thức ăn, đặc biệt là dầu, mỡ. Thức ăn cần được nấu kỹ, nghiền nhỏ phù hợp với độ tuổi của trẻ và cho ăn ngay sau khi nấu.
  • Thức ăn cần đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ.
  • Cho trẻ ăn uống bằng bát, cốc và thìa sạch, không cho trẻ bú bình
  • Mọi người trong gia đình cần rửa tay sau khi đi ngoài, trước khi nấu ăn và cho trẻ ăn.
  • Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Cho trẻ đi ngoài vào bô và đổ phân vào hố xí.
  • Tiêm phòng sởi cho trẻ khi được 9 tháng tuổi và nhắc lại khi trẻ trên 1 tuổi theo đúng phác đồ quốc gia.


Các tin mới hơn


Các tin khác