Xử trí khi trẻ bị sốt

Thứ Ba, 10/11/2020
Xử trí khi trẻ bị sốt

Sốt là gì?

Nhiệt độ cơ thể bình thường từ 36 oC – 37,4 o.C Sốt là khi nhiệt độ cơ thể tăng trên mức bình thường, nghĩa là ≥ 37.5°C. Có thể phân loại sốt như sau:

  • Sốt nhẹ: 37,5oC – 38oC
  • Sốt vừa: > 38oC – 39oC
  • Sốt cao: > 39oC – 40oC
  • Sốt rất cao: > 40oC

Những dấu hiệu nào gợi báo tình trạng trẻ bị sốt?

Khi cơ thể gia tăng nhiệt độ, trẻ thường có một số biểu hiện như: quấy khóc, bỏ bú, mệt mỏi, lờ đờ, không muốn ăn, không muốn chơi, ngủ li bì, mắt/ môi/ má đỏ, tay chân lạnh… Khi đó bố mẹ hãy kiểm tra ngay nhiệt độ của con và hỏi con đau, khó chịu ở đâu. Đồng thời, cố gắng giữ cho trẻ tỉnh táo và áp dụng ngay các biện pháp hạ sốt.

Làm thế nào để xác định trẻ có bị sốt hay không?

Khi nghi ngờ con bị sốt, bố mẹ có thể sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ cho con.

Có 2 loại nhiệt kế phổ biến là nhiệt kế thủy ngân và nhiệt kế điện tử

  • Nhiệt kế thủy ngân: đo nhiệt độ cho trẻ tại các vị trí như nách, hậu môn, miệng
  • Nhiệt kế điện tử: có thể đo nhiệt độ cho trẻ tại các vị trí như nách, hậu môn, miệng
  • Nhiệt kế hồng ngoại: có thể đo nhiệt độ cho trẻ tại trán hoặc tai tùy loại

Tuy nhiên, các bố mẹ cần nhớ: Các vị trí như nách, hậu môn, trán, tai… có sự chênh lệch nhiệt độ nhất định. Nhiệt độ đo được ở nách thấp hơn nhiệt độ ở miệng và hậu môn từ 0.3 đến 0.5 độ. Vì vậy khi nhiệt độ ở nách >37.2 oC thì đã được coi là sốt.

 Cách sử dụng nhiệt kế thủy ngân an toàn

Nhiệt kế thủy ngân có chứa thủy ngân bên trong nên cần bảo quản cẩn thận, nếu bị vỡ, chảy thủy ngân ra ngoài và hít phải thì nguy hiểm đến sức khỏe. Do đó, không sử dụng nhiệt kế thủy ngân để đo ở miệng trẻ. Một số trẻ rất ghét cặp nhiệt độ, hãy động viên, an ủi trẻ, khuyến khích trẻ coi đó là một trò chơi.

Các bước cặp nhiệt độ bằng nhiệt kế thủy ngân

  • Lau sạch nhiệt kế thủy ngân trước khi dùng bằng một miếng bông gòn, thấm cồn và lau sạch đầu nhiệt kế - tức là vùng kim loại sẽ tiếp xúc với cơ thể khi đo, để tránh bị nhiễm trùng
  • Cầm cán nhiệt kế và lắc/ vẩy thật mạnh để cột thủy ngân tụt xuống dưới 35°C
  • Đặt nhiệt kế vào vị trí đo (nách, hậu môn) và giữ nguyên nhiệt kế tại đó trong vòng 5-7 phút.
  • Lấy nhiệt kế ra khỏi vị trí đo và đọc chỉ số nhiệt độ trên dụng cụ (vạch thủy ngân dâng lên ở mức vạch nào thì tương ứng với nhiệt độ cơ thể ở mức đó)
  • Lắc/ vẩy nhiệt kế để cột thủy ngân tụt xuống dưới 35°C, lau sạch đầu kim loại và cất nhiệt kế vào nơi an toàn

 

Cách sử dụng nhiệt kế điện tử

Nhiệt kế điện tử ra đời muộn hơn nhiệt kế thủy ngân và thuận tiện hơn, không sợ bị vỡ như nhiệt kế thủy ngân. Nhiệt kế điện tử hoạt động dựa vào cảm ứng nhiệt tại các vùng tiếp xúc với đầu nhiệt kế nên có thể đo ở miệng, nách, hậu môn. Cách sử dụng rất đơn giản, chỉ cần bấm nút “mở” và đặt nhiệt kế điện tử vào vị trí cần đo. Thời gian đọc kết quả của nhiệt kế điện tử rất nhanh, chỉ khoảng 1 phút.

 

Cách sử dụng nhiệt kế hồng ngoại

Nhiệt kế hồng ngoại là loại nhiệt kế tốn ít thời gian đo nhất, chỉ khoảng 3 giây. Loại nhiệt kế này thường được dùng để đo nhiệt độ ở tai và trán.

Nhiệt kế hồng ngoại đo ở tai có thể sử dụng cho mọi đối tượng, nhất là trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi, không khiến trẻ quấy khóc vì không gây cảm giác khó chịu. Loại nhiệt kế hồng ngoại này không được khuyến cáo dùng ở trẻ sơ sinh và kết quả đo được bị ảnh hưởng khi có ráy tai. Khi đo chỉ cần đưa đầu nhiệt kế vào bên trong ống tai và ấn nút đo, kết quả sẽ hiển thị sau vài giây.

Nhiệt kế hồng ngoại đo ở trán thường hay được đặt ở vị trí tương ứng động mạch thái dương. Đưa nhiệt kế tiếp xúc với vùng giữa của trán và rà nhiệt kế ra ngoài về phía vùng thái dương để tìm đỉnh nhiệt độ cao nhất. Thời gian đo rất nhanh, chỉ trong vòng vài giây và cho nhiệt độ chính xác tương đương với nhiệt kế điện tử đo tại hậu môn. Giá thành còn khá cao là khuyết điểm duy nhất của loại nhiệt kế này.

 

Nguyên nhân nào khiến trẻ bị sốt?

Trẻ bị sốt có thể do:

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng. Ví dụ sốt do vi rút cúm, sởi, thủy đậu, chân – tay – miệng hoặc sốt do nhiễm trùng gan – mật, nhiễm khuẩn não – màng não, viêm tai giữa, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng máu…
  • Do các bệnh tự miễn - tức là các bệnh xảy ra do hệ miễn dịch mất khả năng phân biệt các kháng nguyên bên ngoài và tự kháng nguyên, nhận diện tự kháng nguyên là “vật lạ” và tự kháng thể của cơ thể chống lại các tự kháng nguyên này làm bệnh tự miễn xảy ra. Các bệnh tự miễn như: lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, viêm tuyến giáp, đái tháo đường, thiếu máu ác tính, tan máu, giảm tiểu cầu tự miễn, bất sản tủy, giảm bạch cầu, nhược cơ, viêm gan, viêm loét đại tràng, viêm cầu thận…
  • Do các bệnh lý ác tính như: các bệnh ung thư hệ tạo máu như bệnh bạch cầu mạn, ung thư hạch, ung thư gan, thận…
  • Sốt không rõ nguyên nhân

Khi bé bị sốt, bố mẹ cần làm gì?

Khi con bị sốt, bố mẹ cần:

  • Để trẻ nằm nghỉ ở phòng thoáng, tránh gió lùa, hạn chế người tụ tập quanh trẻ
  • Nới bớt quần áo cho trẻ, cho trẻ mặc đồ thoáng, rộng. Tuyệt đối không được đắp chăn, đóng bỉm cho trẻ.
  • Theo dõi chặt chẽ nhiệt độ của con (30-60 phút đo nhiệt độ một lần), đặc biệt khi nhiệt độ đang có chiều hướng gia tăng không ngừng thì cần xử trí các biện pháp giúp trẻ hạ sốt.
  • Cần đề phòng trẻ sốt cao co giật. Nếu trẻ đã từng bị sốt cao co giật thì cần sử dụng thuốc dự phòng co giật theo chỉ định của bác sỹ đã hướng dẫn
  • Đưa trẻ đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị bệnh gây sốt

Các biện pháp giúp trẻ hạ sốt

  • Tích cực chườm ấm: Chuẩn bị rửa tay, rửa chậu, giặt khăn sạch bằng xà phòng. Pha nước ấm theo tỷ lệ 2 lạnh – 1 nóng, có thể kiểm tra nhiệt độ nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào nước, cảm giác giống như nước tắm em bé là được (khoảng 36-37 oC). Chuẩn bị 5 khăn nhỏ, thấm nước tốt. Cách chườm: đặt trẻ nằm ngửa, cởi / nới rộng quần áo. Dùng khăn nhúng vào chậu nước, vắt ráo nước và lau toàn thân cho trẻ, chủ yếu ở các vị trí như trán, nách, bẹn, lòng bàn tay, bàn chân. Có thể đặt khăn trên trán, hai bên hõm nách và hai bên bẹn của trẻ, 30-60 giây lật khăn và nhúng vào chậu, vắt ráo rồi tiếp tục chườm. Nếu nước bị nguội/ lạnh, pha thêm chút nước nóng hoặc thay chậu nước khác, sao cho luôn giữ nhiệt độ của nước ở mức 36-37 oC. Trong quá trình chườm ấm, 15-30 phút ngừng chườm 1-2 phút và đo nhiệt độ cho trẻ. Chườm tích cực cho đến khi nhiệt độ của trẻ giảm xuống dưới 37.5 oC. Lau khô người và mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, giữ phòng thông thoáng và đủ mát, không nóng quá hoặc lạnh quá. Tuyệt đối không chườm đá/ nước lạnh vì chườm đá/ nước lạnh làm co mạch máu và lỗ chân lông làm cho nhiệt không thoát ra ngoài được nên trẻ sẽ càng sốt cao hơn.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định của bác sỹ. Thuốc hạ sốt phổ biến nhất là paracetamol, liều lượng thuốc tính theo cân nặng của trẻ (trung bình 10-15mg/kg/lần), mỗi lần cách 4-6 giờ theo chỉ định của bác sỹ
  • Cho trẻ uống nhiều nước để hạn chế tình trạng mất nước, đặc biệt có thể sử dụng nước oresol để bù nước, điện giải. Tuy nhiên cần pha đúng tỷ lệ được ghi trên bao bì của nhà sản xuất. Nếu pha không đúng, đặc quá hoặc loãng quá sẽ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, như làm tăng natri máu gây co giật, hôn mê, tổn thương não không hồi phục, tử vong hoặc vỡ tế bào ảnh hưởng tới cơ thể do lượng nước quá nhiều mà natri lại không đủ. Không tự ý chia nhỏ gói thuốc để dùng nhiều lần vì không đảm bảo tỷ lệ pha. Dung dịch đã pha chỉ sử dụng trong 24 giờ, không bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng lâu hơn. Không đun sôi hoặc pha với nước nóng/ấm hay sữa, nước trái cây và tuyệt đối không cho thêm đường.
  • Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, da kề da với bố/ mẹ cũng là biện pháp giúp giảm thân nhiệt cho trẻ. Bố/mẹ nằm trên giường và đặt trẻ nằm sấp trực tiếp trên bụng/ngực, bố/mẹ có thể dùng bàn tay xoa lưng trẻ, tiếp xúc trực tiếp da kề da để truyền nhiệt từ trẻ sang cơ thể bố/mẹ

Ngoài ra hiện vẫn tồn tại những cách hạ sốt sai, bố mẹ tuyệt đối không thực hiện, như: chườm nước đá/ nước lạnh, đắp chăn, đóng bỉm, đóng cửa sổ, không bật quạt, nhỏ chanh vào miệng trẻ…



Các tin mới hơn


Các tin khác