Quốc hội thông qua dự thảo Luật Trẻ em

Thứ Năm, 07/04/2016
Quốc hội thông qua dự thảo Luật Trẻ em
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, sáng 5-4, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua hai dự án Luật Trẻ em

Với 444/449 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua (bằng 89,88% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua Luật Trẻ em. Luật gồm 7 chương, 106 điều.

 

Trước khi thông qua dự thảo Luật, Quốc hội đã nghe Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Trẻ em. Theo báo cáo, đa số các ý kiến thống nhất đổi tên Luật thành Luật Trẻ em. Về độ tuổi trẻ em, nhiều đại biểu không tán thành việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về hai phương án (Phương án 1: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”; Phương án 2: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”). Kết quả lấy phiếu cho thấy: Có 340/397 ý kiến đồng ý phương án 2 (chiếm 69,25% tổng số đại biểu Quốc hội). Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại Luật hiện hành.

 

Về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm vào khoản 1 Điều 10 các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, như trẻ em lánh nạn, tị nạn; trẻ em di cư; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh phải điều trị dài ngày, bệnh hiếm theo quy định của Bộ Y tế. Cũng có ý kiến băn khoăn việc bổ sung nhóm “trẻ em chưa hoàn thành phổ cập giáo dục phải bỏ học kiếm sống” vào đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vì không rõ phổ cập giáo dục ở cấp nào. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật các nhóm “trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo” (điểm n khoản 1) và nhóm “Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tỵ nạn chưa xác định được cha, mẹ hoặc không có người chăm sóc” (điểm o khoản 1).

 

Về nhóm trẻ em “chưa hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục phải bỏ học kiếm sống”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giải trình và tiếp thu như sau: Nhóm trẻ em này chịu rất nhiều thiệt thòi trong xã hội, như bị mất quyền học tập, mất cơ hội tiếp cận tri thức, nghề nghiệp để hoàn thiện nhân cách và tạo lập cuộc sống ổn định khi trưởng thành; có nguy cơ cao bị xâm hại, bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ nhóm trẻ em này là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bổ sung cụm từ “trung học cơ sở” sau cụm từ “phổ cập giáo dục” để làm rõ hơn nhóm đối tượng này.

 

Một số ý kiến cho rằng cần xem xét lại quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư tại Điều 21 của dự thảo Luật vì quyền này sẽ khiến cho cha mẹ nếu muốn giám sát, kiểm tra con sẽ là phạm luật trong khi trẻ em chưa chín chắn và chưa đầy đủ về nhận thức, có thể bị lôi kéo vào những xu hướng xấu. Có ý kiến băn khoăn về quy định trẻ em có quyền tự do kết bạn tại Điều 34 sẽ gây khó cho người làm cha, mẹ trong việc quan tâm đến mối quan hệ xã hội của con. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã bổ sung, chỉnh lý quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em tại Điều 21 gắn với yêu cầu vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và quy định cụ thể trách nhiệm của cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình trong việc bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em tại điểm b, c khoản 1 Điều 100 của dự thảo Luật;  đồng thời bỏ cụm từ “kết bạn” tại Điều 34 của dự thảo Luật. 

 

Về chăm sóc, giáo dục trẻ em, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về chính sách để trẻ em các xã diện 135, vùng miền núi khó khăn, phụ nữ mang thai ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn được bảo hiểm y tế chi trả các chi phí liên quan đến quá trình chăm sóc sức khỏe; bổ sung quy định trẻ em không có các giấy tờ cần thiết cũng được chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh như trẻ em có bảo hiểm y tế. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung một khoản vào Điều 43 (khoản 1) quy định về việc bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, trong đó có ưu tiên trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em sống tại vùng khó khăn. Còn việc chăm sóc cho phụ nữ mang thai và chế độ bảo hiểm y tế cho trẻ em đã được quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 43 của dự thảo Luật.

 

Có ý kiến đề nghị bổ sung những quy định về quan điểm hạn chế tình trạng vị thành niên mang thai và chống nạo phá thai trên cơ sở tăng cường chăm sóc, giáo dục, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản; xử lý tình trạng trẻ em mang thai, giảm thiểu thiệt hại và chấn thương về tâm lý, sinh lý cho trẻ em tại Điều 43. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến như sau: Dự thảo Luật đã có quy định việc Nhà nước bảo đảm tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với độ tuổi trẻ em tại khoản 2 Điều 43. Về việc đề nghị bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng trẻ em mang thai, giảm thiểu thiệt hại và chấn thương về tâm lý, sinh lý cho các em, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đã bổ sung vào khoản này quy định về việc Nhà nước bảo đảm “hỗ trợ” trẻ em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục phù hợp với lứa tuổi; đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Y tế về việc “hỗ trợ” trẻ em chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với độ tuổi tại khoản 2 Điều 84.

 

Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật Trẻ em có hiệu lực.

 

Theo trang điện tử http://www.qdnd.vn/



Các tin mới hơn


Các tin khác