Khi bố mẹ thảo luận về sinh sản và tình dục

Thứ Năm, 31/05/2018
Khi bố mẹ thảo luận về sinh sản và tình dục
Khảo sát do CCIHP tiến hành năm 2015 tại 4 trường trung học trên địa bàn Hà Nội cho thấy gần 70% học sinh ngại hỏi bố mẹ về vấn đề liên quan đến tình dục và sinh sản bởi vì một số lí do: Sợ bố mẹ mắng, nghi ngờ, sợ bị đánh giá, không biết bắt đầu từ đâu...

Các bạn trẻ loay hoay…

 

Khảo sát do CCIHP tiến hành năm 2015 tại 4 trường trung học trên địa bàn Hà Nội cho thấy gần 70% học sinh ngại hỏi bố mẹ về vấn đề liên quan đến tình dục và sinh sản bởi vì một số lí do: Sợ bố mẹ mắng, nghi ngờ, sợ bị đánh giá, không biết bắt đầu từ đâu:

 

 “Em không biết bắt đầu từ đâu để hỏi, hỏi trực tiếp thì sợ bố mẹ mắng nên em không dám hỏi. Vì bố mẹ sẽ nghi ngờ em đang gặp rắc rối nên mới hỏi. Còn nếu hỏi chỉ vì tò mò thì bố mẹ cũng không trả lời.” (Học sinh).

 

Con gái thực ra không nên tìm hiểu về cái đó ạ! Tìm hiểu thì người xung quanh sẽ nghĩ mình không đàng hoàng, nết na” (Học sinh).

 

“Khi có câu hỏi thì em tìm trên mạng nhưng mà cũng nhiều ý kiến lắm, em không biết cái nào mới là đúng, cái nào là sai” (Học sinh).

 

Khó khăn của cha mẹ?

 

Trong khi các bạn trẻ loay hoay kiếm tìm các câu trả lời cho các câu hỏi về tình dục và sinh sản thì chính phụ huynh cũng gặp khó khăn khi tìm cách trao đổi với con về những vấn đề này. Sợ con hư hỏng, không tập trung học tập, e ngại vì thiếu kiến thức, kĩ năng trò chuyện với con…nhiều phụ huynh lựa chọn im lặng là giải pháp để tránh nói với con về sinh sản và tình dục:

 

Rất muốn nói với con về sức khỏe sinh sản nhưng không biết phải nói như thế nào cho con dễ hiểu, không biết con đã hiểu những gì. Vì vậy nên là rất bế tắc(phụ huynh)

 

Tôi không biết bắt đầu từ đâu, tự dưng gọi con lại nói thì cũng khó” (phụ huynh)

 

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, đang đứng

 

Mình trải qua như thế nào thì mình nói với con như thế thôi” (phụ huynh)

 

“Tôi không dám nói vì nói ra nhiều khi con nó chưa biết, chưa quan tâm thành ra dở vì nói sớm quá. Tôi đành phải kiểm soát cháu, theo dõi thường xuyên”  (phụ huynh)

 

Vì lẽ trên mà cha mẹ đã…

 

“Tôi kiểm soát việc lên mạng của cháu, thường tra lịch sử tìm kiếm để biết cháu làm những gì trên mạng. Nói chung là tôi kiểm soát để cháu không vào các trang web người lớn. Nhiều khi cháu học cũng có những trang web sex hiện lên nhưng mà tôi nói cháu tắt và tuyệt đối không được tìm hiểu gì vì còn nhỏ.” (phụ huynh)

 

“Tôi nói cháu giữ mình cẩn thận vì là con gái, tất nhiên cũng lo lắng về việc trẻ con có thể yêu đương sớm nên chỉ nhắc cháu lo học hành, các chuyện khác tính sau” (phụ huynh)

 

Nắm bắt được những khó khăn của bố mẹ, nhóm giáo viên tại 5 trường trung học trên địa bàn Hà Nội (THCS Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Thực Nghiệm, Bát Tràng, Đông Dư) đã tổ chức 67 buổi trò chuyện với phụ huynh kết hợp vào hoạt động họp phụ huynh định kì của trường , tiếp cận được gần 3000 phụ huynh tại các trường trung học. Mặc dù đây là bước khởi đầu nhưng buổi trò chuyện đã khai phá các rào cản thường gặp ở phụ huynh và giúp bố mẹ hiểu hơn về tầm quan trọng, vai trò của bản thân trong việc trò chuyện với con về giới tính, sinh sản, tình dục. Đồng thời, trang bị cho phụ huynh một số kiến thức, kĩ năng trò chuyện cùng con về các vấn đề này. (Thực hành Giáo dục giới tính cùng trại hè “TÔI TỰ TIN, BẠN CŨNG THẾ”), (“RẮC RỐI TUỔI TEEN” – CHA MẸ CÙNG GỠ MỐI TƠ VÒ)

 

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Tài liệu phát tay: Bạn có thể giúp con như thế nào?

 

Thực tế cho thấy kiểm soát, nói dối, dụ dỗ…là các chiến lược giao tiếp không hiệu quả khi trao đổi với con cái về các vấn đề nói chung, sức khỏe sinh sản tình dục (SKSSTD) nói riêng. Nghiên cứu đã cho thấy 45% VTN chọn cha mẹ là người đầu tiên để chia sẻ về tình yêu, tình dục, sinh sản. Có mối liên hệ chặt chẽ giữa sự giao tiếp tốt của cha mẹ và con cái về SKSSTD với khả năng con có những quyết định phù hợp liên quan đến tình yêu, tình dục và sinh sản. Ở mỗi thời điểm, mỗi lứa tuổi, cha mẹ đều có thể nói về các vấn đề liên quan đến cơ thể, tình yêu, tình dục… theo các cách khác nhau. Với hiểu biết, kỹ năng và kinh nghiệm của mình, cha mẹ hoàn toàn có thể vượt qua những nỗi sợ/ sự lo lắng của mình để tự tin nói chuyện với con.

 

Ngoài việc nhấn mạnh những vấn đề nêu trên, các giáo viên cũng đã đưa ra các chiến lược giúp phụ huynh giao tiếp hiệu quả với con thông qua các tài liệu phát tay: Bạn có thể giúp con mình như thế nào? Mách nước trả lời các câu hỏi khó nhai, kĩ năng giao tiếp với con về tình dục, sự phát triển giới tính theo thời gian. Đưa ra các câu hỏi gợi ý mà phụ huynh có thể sử dụng để trao đổi và khuyến khích con cái cởi mở trao đổi về SKSSTD.

 

Trong hình ảnh có thể có: 12 người, mọi người đang ngồi, bàn và trong nhà

 

Trước khi buổi trò chuyện diễn ra, nhiều cha mẹ vẫn băn khoăn, trăn trở chưa biết phải nói như thế nào, lựa chọn thời điểm nào để có thể giao tiếp hiệu quả với con thì sau khi buổi thảo luận kết thúc, nhiều phụ huynh cảm thấy vui hơn, tự tin hơn vì nhà trường, giáo viên và bản thân đã cởi bỏ được những e ngại khi nói về tình dục và sinh sản. Nhận thấy đây là vấn đề cần thiết mà nhà trường, bố mẹ phải đồng hành cùng con trên bước đường con lớn khôn, các phụ huynh dự định sẽ áp dụng những kiến thức, kĩ năng có được trong việc trò chuyện với con cái. Đồng thời, hy vọng sẽ tiếp tục được nhận các thông tin bổ ích từ CCIHP và nhà trường.

 

Mình nghĩ đây là hoạt động cần thiết, con mình cũng học lớp 8 rồi, nếu nhà trường, bố mẹ không nói thì chắc chắn con sẽ tìm hiểu thông tin ở những nơi khác mà mình không biết chắc có nguy hiểm cho con hay không. Hy vọng sẽ tiếp tục được nghe, được hiểu nhiều hơn để đồng hành cùng con” (phụ huynh)

 

Tôi nghĩ là sẽ chờ cháu dậy thì rồi mới nói cho cháu hiểu, vì cũng chưa thấy cháu có dấu hiệu dậy thì gì, nhưng qua buổi trao đổi tôi nghĩ là có lẽ vậy là muộn. Tôi sẽ phải nói chuyện với cháu sớm hơn để cháu có sự chuẩn bị tâm lý” (phụ huynh)

 

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang đứng

Phụ huynh chia sẻ tại buổi thảo luận

 

Một phụ huynh có trăn trở rất đáng lưu tâm, điều này cho thấy chính phụ huynh cũng mong đợi giáo dục giới tính, sinh sản, tình dục cần được đưa vào chương trình giáo dục chính thức tại trường nhằm cung cấp thông tin, kiến thức đúng cho học sinh:

 

“Tôi khá bận và cũng không có nhiều thời gian cho con, mong rằng các trường sẽ chuyển cái này thành một môn học để các cháu được học nhiều hơn. Khi là môn học thì là bắt buộc tất cả các học sinh sẽ phải học và qua đó các cháu có được kiến thức. Các cha mẹ cũng yên tâm hơn và khi con có hiểu biết rồi thì nếu bố mẹ có nói cũng sẽ dễ trao đổi hơn(phụ huynh)

 

Buổi trò chuyện đầu tiên khép lại với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Tuy nhiên, CCIHP, ban giám hiệu, thầy cô giáo tại các trường trung học cảm thấy vui mừng khi nhiều cha mẹ học sinh đã bắt đầu thay đổi nhận thức của bản thân về vai trò của mình trong giáo dục giới tính, sinh sản, tình dục cho con, đưa ra những dự kiến để chủ động trò chuyện với các con về các vấn đề vốn đã từng được cho là nhạy cảm này.

 

Thủy Tiên



Các tin mới hơn


Các tin khác