Thông tin y tế thường trực
Thứ Năm, 22/10/2020Đau ốm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để giảm bớt lúng túng trong tìm kiếm dịch vụ y tế, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp, mỗi người nên đảm bảo có 10 thông tin sau:
1. Số điện thoại bác sĩ/phòng khám để xin tham vấn hay đặt lịch khám
Người bệnh cần có đầy đủ các thông tin này để có thể liên hệ trong tình huống phù hợp. Không chỉ có số điện thoại liên hệ thông thường có thể gọi trong giờ hành chính và ngày thường, người bệnh cần biết thông tin liên hệ trong thời gian ngoài giờ hành chính, buổi đêm và ngày lễ.
2. Số điện thoại khẩn cấp
115 là số điện thoại dịch vụ y tế cấp cứu ở Việt Nam. Nếu đang theo khám một bác sĩ hay một cơ sở y tế cụ thể, người bệnh cần tìm hiểu số điện thoại có thể gọi trong trường hợp khẩn cấp với bác sĩ hay cơ sở y tế này.
Các thông tin mà người cung cấp dịch vụ y tế cấp cứu ở Việt Nam (Có thể viết ra giấy để tránh quên khi cung cấp thông tin cho nhân viên y tế hoặc trong trường hợp đặc biệt thì có thể đưa các thông tin đó cho nhân viên y tế xem)
3. Số điện thoại người nhà để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp
Mỗi người cần lưu 1-2 số điện thoại người nhà để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp. Số này nên lưu riêng trong danh bạ để có thể tìm kiếm dễ dàng và nhanh chóng. Những người được ghi số cần được biết về việc này để có sự chuẩn bị tốt hơn về tinh thần khi có người liên hệ.
4.Nhóm máu
Thông tin nhóm máu rất cần thiết trong trường hợp cấp cứu. Cơ sở y tế sẽ làm xét nghiệm trước khi truyền máu nhưng có sẵn thông tin này có thể giúp tiết kiệm được thời gian quí giá trong cấp cứu, đặc biệt khi người bệnh thuộc nhóm máu hiếm.[1]
5. Tiền sử dị ứng
Người dễ bị dị ứng với thức ăn hay thuốc có thể coi là người có cơ địa dị ứng. Những người này dễ có nguy cơ bị shock phản vệ với thuốc - một trong những cấp cứu y khoa nặng, diễn biến nhanh, có thể nguy hiểm tới tính mạng mà ngay cả các cơ sở y khoa tiên tiến hiện đại cũng không xử lí kịp. Ghi chú và chủ động nói với nhân viên y tế về tiền sử dị ứng do vậy rất quan trọng nhất là trong trường hợp cấp cứu.
6. Tiền sử bệnh
Nội dung này rất quan trọng nếu người bệnh đã khám, điều trị bệnh nào đó trước khi khám bệnh lần này. Nội dung này giúp bác sĩ xác định bệnh/ mức độ bệnh/ sự tác động của tình trạng bệnh lý trước đây đến bệnh lý hiện tại…
Một số thuốc mất hoặc giảm tác dụng hoặc dễ gây nguy hiểm khi một người đang bị một bệnh nào đó do tình trạng của bệnh đó hay do tương tác với các thuốc đang dùng cho bệnh đó. Ví dụ: người bị loét dạ dày dễ bị chảy máu dạ dày khi dùng một số loại thuốc; người đang có các bệnh về gan, thận có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của nhiều loại thuốc.
7.Chứng minh thư
Đây là giấy tờ tùy thân cơ bản ai cũng nên mang theo. Nên có một bản photo và ghi số chứng minh thư, ngày cấp, nơi cấp vào nơi dễ tìm để phòng trường hợp chứng minh thư bị mất và chưa kịp cấp mới.
8. Thẻ bảo hiểm y tế
Đảm bảo mang theo mình thẻ bảo hiểm y tế còn thời hạn sử dụng. Có thẻ bảo hiểm khi vào viện sẽ giúp việc thực hiện thủ tục nhập viện nhanh chóng và phù hợp hơn. Nên có ảnh chụp và ghi số thẻ bảo hiểm y tế phòng trường hợp quên hay thất lạc.
9. Sổ y bạ
Mỗi người nên có một số y bạ duy nhất cho toàn bộ các lần khám chữa bệnh, không nên mỗi lần đi khám lại mua một sổ mới. Khi sổ đã đầy thì thay sổ mới nhưng vẫn giữ lại sổ cũ để có thể tham chiếu khi cần thiết. Việc sử dụng sổ y bạ có thể sẽ không cần thiết nữa nếu sau này mỗi người được quản lí chỉ bằng một hồ sơ khám chữa bệnh điện tử trong hệ thống.
10. Hồ sơ khám bệnh cũ, thuốc đã và đang sử dụng
Hồ sơ khám bệnh cũ là tất cả các tài liệu liên quan tới các lần đi khám bệnh hay nằm viện bao gồm kết quả khám bệnh, xét nghiệm, phiếu điều trị, phiếu ra viện, phiếu thanh toán... Các trường hợp bệnh mạn tính dùng thuốc lâu dài cần hoặc người già và trẻ con nên lưu lại đơn thuốc, vỏ các hộp thuốc đã dùng và hướng dẫn sử dụng. Các tài liệu này không cần luôn mang theo người nhưng cần được lưu trữ tại một chỗ cố định trong nhà và dễ tiếp cận với tất cả các thành viên (trừ trẻ con) để trong trường hợp khẩn cấp cũng có thể tìm được dễ dàng. Gia đình có nhiều thành viên có thể làm cặp hồ sơ y tế riêng cho từng người để khi lấy đỡ bị lẫn lộn.
*) LƯU Ý: các nhóm máu thông thường là A, B, AB và O. Qui tắc đơn giản nhất là máu nhóm nào thì nhận/ cho nhóm đó. Trong trường hợp không có sẵn nhóm máu cùng loại, có thể nhận/cho nhóm máu khác loại nhưng không phải mọi nhóm máu có thể nhận/cho lẫn nhau. Người có nhóm máu O chỉ nhận được nhóm máu cùng loại nhưng có thể cho tất cả các nhóm máu khác. Những người nhóm máu AB thì ngược lại, có thể nhận tất cả máu ở các nhóm khác và không cho được các nhóm máu khác trừ người cùng nhóm máu.
Các tin mới hơn
- Viêm phần phụ Thứ Hai, 09/11/2020
- Viêm nội mạc tử cung Thứ Hai, 09/11/2020
- Viêm cổ tử cung Thứ Hai, 09/11/2020
- Phá thai bằng phương pháp nong và gắp thai Chủ Nhật, 08/11/2020
- Phá thai an toàn Chủ Nhật, 08/11/2020
- Tính vòng kinh (tình ngày an toàn) Chủ Nhật, 08/11/2020
- Xuất tinh ngoài âm đạo Chủ Nhật, 08/11/2020
- Triệt sản nữ (thắt ống dẫn trứng) Chủ Nhật, 08/11/2020
- Triệt sản nam (thắt ống dẫn tinh) Chủ Nhật, 08/11/2020
- Thuốc diệt tinh trùng Chủ Nhật, 08/11/2020
Các tin khác
- Chọn cơ sở cung cấp dịch vụ y tế phù hợp tình trạng sức khoẻ của mình Thứ Năm, 22/10/2020
- Viêm âm hộ tầng sinh môn Chủ Nhật, 18/10/2020
- Viêm âm đạo Chủ Nhật, 18/10/2020
- Hút thai Chủ Nhật, 18/10/2020
- Phá thai bằng thuốc Chủ Nhật, 18/10/2020
- Tránh thai là gì? Thứ Ba, 13/10/2020
- Cách phát hiện thai sớm Thứ Ba, 06/10/2020
- Cơ chế thụ thai Thứ Bẩy, 19/09/2020