Dự án tăng cường Quyền và SKSS-TD cho thanh niên công nhân
Thứ Hai, 24/12/2012
Trong bối cảnh Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cùng làn sóng di cư từ nông thôn ra thành phố làm việc khiến cho lực lượng thanh niên công nhân (TNCN) tập trung tại các thành phố lớn ngày càng tăng. TNCN chủ yếu đi ở trọ với điều kiện sống thiếu thốn, thời gian làm việc dài với khoảng 12 tiếng/ngày khiến họ ít có điều kiện tiếp cận với các thông tin sức khỏe sinh sản, tình dục (SKSS-TD). Trong khi đó, các nhà máy do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có việc tập trung vào vấn đề về kinh tế mà chưa chú ý đến nhu cầu này của thanh niên. Chính vì vậy bắt đầu từ năm 2011, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) đã khởi xướng và phối hợp với Đoàn khối Doanh nghiệp TW thực hiện dự án “Tăng cường Bình đẳng giới, quyền tình dục và SKSS cho thanh niên công nhân khối Doanh nghiệp TW trên địa bàn Hà Nội”, dưới sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu và nguồn lực cho phụ nữ khu vực Châu Á Thái Bình Dương (ARROW). Sau khi kết thúc giai đoạn 1 (tháng 2/ 2012), CCIHP phối hợp với Liên đoàn Lao động Việt Nam; Sở Y Tế Hà Nội, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án (từ 4/2012 đến 3/2013).
Hướng tiếp cận của dự án
CCIHP nhận thấy rằng ngay cả khi có kiến thức thì các bạn TNCN cũng khó có được sự thương thuyết, khó có được mối quan hệ tình dục lành mạnh và an toàn khi các bạn chưa nhận thấy mình có đầy đủ các quyền về SKSS-TD. Bởi vậy, CCIHP không chỉ chú trọng nâng cao kiến thức, thái độ của các bạn thanh niên công nhân về vấn đề SKSS-TD mà đã áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền để thanh niên có thể khẳng định quyền SKSS-TD của mình và có kiến thức, kỹ năng để thực hiện các quyền đó.
Để thu hút sự tham gia của tổ chức Đoàn cũng như đoàn viên thanh niên trong khối doanh nghiệp CCIHP đã cố gắng xây dựng chương trình phù hợp với chương trình chung “4 đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp” do Trung ương Đoàn phát động, mở ra cơ hội được cùng nhau sinh hoạt, có được thông tin, có được mối quan hệ tình dục an toàn lành mạnh góp phần nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần và kỹ năng xã hội cho TNCN. Đây là điểm quan trọng để hoạt động của dự án có thể thu hút sự tham gia của Đoàn khối doanh nghiệp và đông đảo đoàn viên thanh niên.
Đồng thời, nhóm dự án cũng làm việc trực tiếp với lãnh đạo các đơn vị Doanh nghiệp để chính những người quản lý cũng nhìn thấy rõ các hoạt động của dự án không chỉ góp phần chăm sóc sức khỏe SKSS-TD, sức khỏe tinh thần cho TNCN mà còn tăng cường sự kết nối, tinh thần hợp tác của TNCN trong cuộc sống và công việc, những điều này góp phần nâng cao hiệu suất lao động cho nhà máy.
Với cách tiếp cận này, năm 2011, dự án được sự đồng tình triển khai của 5 đơn vị phù hợp thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương là: Công ty Giấy Tissue sông Đuống, Công ty TNHH Hải Hà Kotobuki, Công ty Cổ phần cao su Sao Vàng, Công ty Thuốc lá Thăng Long và Trường Cao đẳng dệt may Thời trang Hà Nội - Tập đoàn dệt may Việt Nam.
Những hoạt động chính
Để triển khai mô hình can thiệp phù hợp với TNCN, trước khi triển khai, CCIHP đã thực hiện một cuộc khảo sát đánh giá nhu cầu tại 3/5 đơn vị tham gia dự án. Cuộc khảo sát cũng là cơ hội để CCIHP lắng nghe và hiểu rõ những vấn đề Giới, quyền SKSS-TD cụ thể mà các bạn TNCN đang rất quan tâm, từ đó xây dựng nội dung và cách thức thực hiện dự án phù hợp.
Dự án là của TNCN, do TNCN triển khai - tham gia xuyên suốt vào quá trình triển khai dự án. Chính vì thế, ngay từ đầu một nhóm 25 thanh niên công nhân được chọn ra từ 5 nhà máy để trở thành nhóm công nhân nòng cốt của dự án. Nhóm TNCN này tham gia vào dự án ngay từ khâu lập kế hoạch (hội thảo định hướng tháng 3/2011), nâng cao năng lực (hai khóa tập huấn về giới, quyền, SKSS-TD và kỹ năng quản lý, điều hành CLB thông qua vào tháng 4 và tháng 5/2011) và đóng góp vào việc phát triển bộ tài liệu (4 quyển) hướng dẫn chi tiết dành cho người điều hành và thành viên.
Tháng 5/2011, có 7 CLB được thành lập, trong đó có 5/7 CLB đã tổ chức sinh hoạt được đầy đủ 13 chủ đề cho thanh niên công nhân. Ở các buổi sinh hoạt đã được triển khai, số thành viên tham dự đạt trung bình 80% tổng số thành viên. Khi tham gia sinh hoạt các thành viên có cơ hội suy nghĩ và chia sẻ những nhu cầu, mong muốn và dự định thực hiện quyền SKSS-TD của bản thân thông qua các hình thức thảo luận nhóm, đóng vai… Qua những hình thức này, các bạn thanh niên công nhân có thể trao đổi một cách cởi mở những vấn đề về SKSS-TD mà trước đây chính các bạn còn cảm thấy e ngại vì xem nó là vấn đề tế nhị, là chuyện của những người đã lập gia đình. Các buổi sinh hoạt CLB luôn có sự giám sát của cán bộ CCIHP nhằm rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng cho các buổi sinh hoạt tiếp theo.
Bên cạnh hoạt động định kỳ là sinh hoạt CLB, các thành viên đến từ các đơn vị khác nhau trong dự án còn có cơ hội gặp gỡ giao lưu cùng nhau trong một chương trình chung vào đầu tháng 12/2011. Đây là cơ hội để các thành viên trong các CLB thể hiện những kiến thức kỹ năng liên quan đến giới quyền, sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục đã tích luỹ được trong thời gian tham gia hoạt động. Buổi giao lưu được thực hiện dưới hình thức cuộc thi tài năng giữa các CLB với nhau trong đó các chủ đề về giới, quyền, SKSS-TD được thể hiện phong phú và sinh động qua các hình thức: kịch ngắn, thời trang, hỏi nhanh đáp gọn, hùng biện, hát, vè…
Hoạt động tọa đàm giữa những người quản lý dự án, các bác sĩ về SKSS và chuyên gia về giới, tình dục, quyền cùng thanh niên công nhân được thực hiện lồng ghép trong chương trình giao lưu các CLB. Hoạt động tọa đàm này giúp thanh niên công nhân có cơ hội bày tỏ trực tiếp những điều băn khoăn trong việc nhận biết dấu hiệu của bệnh lý về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, những khó khăn, nỗi e ngại khi tiếp cận dịch vụ….
Những kết quả đạt được
Kiến thức của thanh niên công nhân có sự thay đổi đáng kể. Số người biết cách tính tuổi thai đã tăng lên 50% so với trước can thiệp. Số người biết 9-12 biện pháp tránh thai tăng rõ rệt sau khi sinh hoạt CLB. Trước khi sinh hoạt CLB, 27,16% biết 1-4 biện pháp tránh thai, đặc biệt có biện pháp tránh thai như Vô kinh cho con bú, rất ít người biết. Bao cao su là biện pháp tránh thai phổ biến được nhiều người biết đến với tỉ lệ 98% và 100% đối với trước và sau khi tham gia CLB. Các kiến thức về SKSSTD khác như phòng lây truyền HIV và các bệnh LTQĐTD và về đối xử với người lao động nhiễm HIV tại cơ sở làm việc đều tăng đáng kể
Sự thay đổi về kiến thức này đã dẫn đến những thay đổi tích cực trong thái độ của thanh niên công nhân đối với các vấn đề SKSS-TD. Số người sẵn sàng và chủ động đi mua bao cao su tăng từ 64,20% ở đầu kỳ lên 72,31% ở cuối kỳ. Đặc biệt, kết thúc quá trình sinh hoạt CLB, 100% thanh niên công nhân đã có cách ứng xử phù hợp với người có HIV. Không ai nói rằng sẽ báo cáo với quản lí và đề xuất sa thải khi biết một đồng nghiệp nhiễm HIV nữa mà thay vào đó 100% công nhân cho biết sẽ vẫn duy trì mối quan hệ đồng nghiệp với người đó và sẽ động viên, hỗ trợ người đó lúc khó khăn.
Thanh niên công nhân đã có cái nhìn cởi mở hơn đối với chuyện tình dục trong tình yêu và vấn đề trinh tiết. Những quan niệm như “Con gái mà quan hệ trước hôn nhân là hư hỏng” hay “Con gái mất trinh là chẳng còn giá trị gì nữa” đang dần thay đổi. Trước khi sinh hoạt CLB chỉ có 52,94% các thành viên nam giới không đồng ý với quan niệm rằng ‘Con gái mà quan hệ trước hôn nhân là hư hỏng’. Sau khi sinh hoạt CLB, con số này đã tăng lên gần 91%. Đặc biệt 100% nam giới sau can thiệp không đồng ý với quan niệm nhìn giá trị của người con gái chỉ qua việc cô ấy còn trinh tiết hay không. Với kiến thức đúng về nguyên nhân của xuất tinh sớm, thay vì cảm thấy kém cỏi và muốn chia tay ngay với bạn tình, tất cả nam giới tham gia CLB đã chọn cách nói chuyện và tìm sự động viên, chia sẻ của bạn tình, cùng tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Được trang bị thêm kiến thức về quyền tình dục cũng cũng đã tác động đến thái độ của họ trong việc nhìn nhận quyền tình dục của người khác. Tỉ lệ số người tôn trọng quyền lựa chọn của người khác mà không áp đặt quan điểm cá nhân của mình tăng lên rõ rệt từ 48.15% ở đầu kỳ thành 83.08% ở cuối kỳ.
Về đánh giá chung đối với CLB, nhìn chung, thanh niên công nhân cảm thấy hài lòng với CLB với điểm đánh giá là 4.71 điểm trên thang điểm 5. Phỏng vấn sâu cũng cho thấy các thành viên CLB đều đánh giá cao nội dung sinh hoạt CLB:
“Thực ra đây không phải lần đầu tiên em tham gia câu lạc bộ như thế này vì trước đây khi ở khu dân phố thì em cũng có tham gia nhưng em tham gia với nhiều bạn ở lứa tuổi nhiều hơn như thế này. Còn tại công ty thì hầu hết mọi người bằng tuổi nhau nên việc thảo luận những vấn đề tế nhị hơn, những vấn đề của bạn gái cũng như là những nội dung đi sâu hơn thì mọi người có vẻ cởi mở hơn. Khi em tham gia thì em biết nhiều thứ hơn mà trước đây khi em chưa tham gia thì em chưa biết, có thể do khuôn khổ những vấn đề trao đổi ở những nơi em tham gia rồi vẫn còn hạn chế, nhưng khi tham gia tại công ty thì em thấy mở rộng hơn cho nên em biết rất nhiều thứ để cho mình có những cái chuẩn bị bước vào cuộc sống gia đình riêng” (Thành viên số 2, CLB Dệt may)
Quá trình triển khai dự án còn có những khó khăn nhất định, vẫn còn những hoạt động chưa được tiến hành như mong đợi, như hoạt động sinh hoạt CLB chưa được triển khai đều ở 5 đơn vị và số lượng CLB cũng không được thiết lập và triển khai sinh hoạt như mong đợi ban đầu, song kết quả đánh giá trước và sau dự án cho thấy có sự thay đổi đáng kể về kiến thức và kỹ năng của thanh niên công nhân trong các vấn đề SKSS-TD và quyền. Đồng thời, chia sẻ của thanh niên công nhân về sự hứng thú khi tham gia vào dự án và ý nghĩa của dự án với bản thân mỗi thanh niên công nhân và sự ghi nhận về thành công của dự án của lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ quản lý dự án tại các nhà máy là nhân tố thúc đẩy để CCIHP tiếp tục triển khai mô hình can thiệp về SKSS-TD và quyền dành cho thanh niên công nhân tại các khu công nghiệp ở Hà Nội trong năm 2012 – 2013.
Phùng Hiên
Các tin mới hơn
- TỌA ĐÀM CÔNG NGHIỆP THUỐC LÁ ĐANG TẤN CÔNG TRẺ EM NHƯ THẾ NÀO? VÌ SAO ĐÂY LÀ VẤN ĐỀ CỦA CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG NỮ QUYỀN VÀ QUYỀN TRẺ EM? Thứ Tư, 19/10/2022
- Thanh niên tiên phong thúc đẩy quyền sức khỏe sinh sản tình dục: Chúng ta đã làm được gì? Chúng ta cần gì? Thứ Tư, 08/06/2022
- Trại hè Tình nguyện trẻ- Chia sẻ, gắn kết, yêu thương Thứ Năm, 09/08/2018
- Khi bố mẹ thảo luận về sinh sản và tình dục Thứ Năm, 31/05/2018
- "Những cuộc gặp" - Bắt đầu với những câu chuyện về gia đình người tự kỷ Thứ Năm, 18/01/2018
- Tôn trọng - Thấu hiểu và Sẻ chia: Ngày hội của các trường tham gia chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục Thứ Sáu, 01/12/2017
- Trên con đường tìm hiểu về Giáo dục giới tính cùng trại hè “TÔI TỰ TIN, BẠN CŨNG THẾ” Thứ Sáu, 28/07/2017
- Thực hành Giáo dục giới tính cùng trại hè “TÔI TỰ TIN, BẠN CŨNG THẾ” Thứ Sáu, 28/07/2017
- Tập huấn “Nâng cao kiến thức về mốc phát triển của trẻ, rối loạn phổ tự kỷ và nâng cao thực hành sử dụng các bộ công cụ sàng lọc rối loạn phát triển và tự kỷ” Thứ Sáu, 28/07/2017
- "Cha mẹ và những rắc rối tuổi teen" - trò chuyện cùng chuyên gia Thứ Hai, 26/06/2017
Các tin khác
- Tuyển tình nguyện dự án Thúc đẩy quyền SKSSTD cho thanh niên công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội Chủ Nhật, 11/11/2012
- Tư vấn Dự án Tư vấn về Quản lý cho Qũy hợp tác phát triển địa phương FLC đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam Thứ Ba, 08/05/2012
- Dự án: "Tư vấn trực tuyến miễn phí về Tình dục, Sức khỏe sinh sản và HIV/AIDS cho thanh thiếu niên" Thứ Ba, 08/05/2012
- Dự án "Can thiệp trên internet về sức khỏe tình dục cho MSM" Thứ Ba, 08/05/2012
- CCIHP thực hiện đánh giá ban đầu cho dự án phòng chống bạo lực giới của CSAGA Thứ Ba, 08/05/2012
- Đánh giá dự án về nước sạch vệ sinh môi trường Thứ Hai, 07/05/2012
- Dự án GBV - Trao quyền để cộng đồng cất cánh Thứ Năm, 12/04/2012
- Hội Thảo Duy Trì Dự án "Mô hình lồng ghép phòng chống bạo hành giới dựa vào cơ sở Y tế và cộng đồng" Thứ Năm, 01/03/2012
- Dự án CHAT tổ chức hội thảo định hướng Thứ Năm, 01/03/2012
- Hội nghị tổng kết dự án "Mô hình lồng ghép phòng chống bạo hành dựa vào cơ sở Y tế và cộng đồng" năm 2011 Thứ Năm, 23/02/2012
- Dự án nghiên cứu sáng kiến y tế định hướng thị trường tại Việt Nam và Campuchia Thứ Hai, 13/02/2012
- Giới thiệu dự án GBV - Giai đoạn 2: 'Nâng quyền cho phụ nữ và thay đổi quan niệm về nam tính' Chủ Nhật, 08/01/2012