“Hiện vật” ở đây được định nghĩa là “các kỉ vật mà người LGBT lưu giữ và gửi gắm trong đó câu chuyện về bản thân và các mối quan hệ của họ”. Các hiện vật giới thiệu ở đây được thu thập từ năm 2009 trong khuôn khổ nghiên cứu “Kỳ thị và phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam từ góc nhìn lịch sử và xã hội”. Chúng tôi phân biệt 02 dạng hiện vật: Một là các hiện vật có từ các mối quan hệ và cuộc sống riêng của người LGBT, ví dụ như thiệp mời “Tuyên hôn”, quà tặng và những bức thư của những người yêu gửi cho nhau, nhật kí, thư giãi bày với gia đình v.v. Hai là các hiện vật không trực tiếp liên quan tới các mối quan hệ nhưng được người LGBT lưu giữ cho riêng mình để kỉ niệm những khoảnh khắc họ tìm về chính mình, ví dụ như các bức ảnh, bưu thiếp, một cuốn tạp chí v.v. Các hiện vật không chỉ kể câu chuyện về tình yêu, mà còn có cả những câu chuyện về nỗi đau khi bị phân biệt đối xử, bị kì thị và bạo lực. Các hiện vật cũng vẽ lên bức tranh về sự thay đổi nhận thức của xã hội đối với LGBT, và cả sự tự ý thức của cộng đồng LGBT về quyền của mình. Các hiện vật và câu chuyện đi kèm là gạch nối giữa cuộc sống riêng tư của người LGBT và bối cảnh lịch sử và xã hội rộng hơn, từ chỗ còn chưa ai nói tới LGBT cho tới những sự kiện vận động cho quyền của người LGBT. Dựa trên các hiện vật đã thu thập được, phần lưu trữ “Hiện vật” được chia theo 03 chủ đề: Tình yêu, Nỗi đau, và Tự hào.